Tổ chức tốt việc lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng

20/10/2020 12:50

Việc góp ý kiến các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng có thể theo toàn bộ nội dung hay theo từng phần.

>>> Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Theo Hướng dẫn số 151-HD/BTGTW ngày 10.9.2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương, việc thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình đại hội; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân.

Nội dung và hình thức thảo luận, góp ý

Nhân dân thảo luận, góp ý kiến các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Việc góp ý kiến các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng có thể theo toàn bộ nội dung hay theo từng phần, trong đó tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng sau:

Đối với dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, đề nghị tập trung thảo luận, góp ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới; tầm nhìn và định hướng phát triển; quan điểm chỉ đạo; mục tiêu phát triển tổng quát; các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030; định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế; định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; về những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Đối với dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đề nghị tập trung thảo luận, góp ý kiến về đánh giá bối cảnh trước và sau Đại hội XII (2016); những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; bối cảnh quốc tế, khu vực và cơ hội, thách thức tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta 5 năm tới; mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 2021 - 2025...

Nhân dân thảo luận, góp ý kiến các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng bằng các hình thức: Góp ý kiến trực tiếp tại hội nghị lấy ý kiến nhân dân, sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội thảo, tọa đàm khoa học; gửi thư góp ý kiến tới cấp ủy đảng các cấp và tới các cơ quan báo chí của Trung ương, của đảng bộ các địa phương, các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.

Tiếp nhận ý kiến đóng góp

Tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân qua báo chí, thư. Ở cấp tỉnh, các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức tiếp nhận thư gửi trực tiếp tới đơn vị, đồng thời tổng hợp báo cáo của các đơn vị cấp huyện trực thuộc; phân công Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy là đầu mối tập hợp ý kiến góp ý của nhân dân qua thư và lập báo cáo tổng hợp của Tỉnh ủy, Thành ủy gửi trực tiếp về Ban Tuyên giáo Trung ương trước ngày 13.11.2020. Ý kiến góp ý của nhân dân qua thư gửi trực tiếp tới các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương được tổng hợp thành một nội dung trong Báo cáo tổng hợp của Tỉnh ủy, Thành ủy gửi về Ban Chấp hành Trung ương (qua Văn phòng Trung ương Đảng tiếp nhận) trước ngày 20.11.2020. Các cơ quan báo chí của đảng bộ địa phương tổ chức tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân qua thư gửi trực tiếp tới cơ quan, đơn vị; tổng hợp ý kiến góp ý gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương trước ngày 13.11.2020.

MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức lấy ý kiến theo hệ thống dọc và mỗi đoàn thể có trách nhiệm tổng hợp ý kiến gửi về Ban Dân vận Trung ương. Ban Dân vận Trung ương tổng hợp ý kiến của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp (gồm cả các hội nghị, hội thảo do MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức) gửi về Ban Chấp hành Trung ương (qua Văn phòng Trung ương Đảng) trước ngày 20.11.2020...

PV(tổng hợp)

(0) Bình luận
Tổ chức tốt việc lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng