Những người thân trong gia đình luôn là hậu phương vững chắc, động lực tinh thần mạnh mẽ giúp những người lính đảo vượt qua mọi thử thách nơi đầu sóng ngọn gió...
Hậu phương vững chắc là động lực giúp trung tá Nguyễn Văn Dương công tác ở đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa) luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao
2 lần "vượt cạn" vắng chồng
Cô giáo Bùi Thị Nguyệt (sinh năm 1977), giáo viên Trường Tiểu học Tứ Minh (TP Hải Dương) có chồng là trung tá Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1974) đang làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa). 18 năm chồng vắng nhà, chị Nguyệt gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị luôn tự hào là vợ lính đảo.
Năm 1997, anh Dương bắt đầu ra đảo Hòn Khoai (Cà Mau) làm nhiệm vụ. Trong một lần nghỉ phép về quê, cô sinh viên Nguyệt đã bén duyên với anh Dương. Những bức thư tay gửi vội từ đảo về đất liền đã vun đắp cho tình yêu của đôi bạn trẻ ngày càng lớn dần.
Lần nghỉ phép đầu năm 2001 của Dương, gia đình hai bên đã tổ chức đám cưới cho hai người trong niềm hân hoan của họ hàng, thôn xóm. Sau đó, chị sinh con trai đầu lòng, cả hai quyết định đặt tên là Nguyễn Hoàng Sơn. Năm 2009, hai vợ chồng có thêm con gái thứ hai đặt tên là Nguyễn Thị Khánh Ngọc. Cả hai lần “vượt cạn” chị đều không có chồng bên cạnh.
Thời gian cứ trôi đi, anh Dương lần lượt nhận nhiệm vụ ở các đảo Phú Quốc, Đá Lát, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn và hiện là Nam Yết. Chồng xa nhà, chị Nguyệt là trụ cột trong gia đình, nhiều người đùa vui chị vừa là bố, vừa là mẹ của các con.
Những lúc bắt gặp hình ảnh các gia đình quây quần bên nhau, nhất là lúc sinh con mà không có chồng bên cạnh, những lúc tụi trẻ hàng xóm được bố dạy bảo, chị chợt chạnh lòng, nhưng lại tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ hơn để anh yên tâm công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng nơi đảo xa.
Chị kể: “Nản nhất là năm 2002, khi xây nhà ở quê, con thì luôn ốm do khi sinh bị ngạt. Một mình phải cáng đáng mọi công việc trong nhà, rồi việc dạy học ở trường. Đã có lúc kiệt sức, người chỉ còn 39 kg”.
Khi con gái thứ hai được sinh ra cũng là lúc gánh nặng đè tiếp lên vai chị Nguyệt. Cháu Khánh Ngọc sinh sau 1 tháng thì bị viêm màng não, phải phẫu thuật, nằm viện gần 4 tháng. Cháu cũng là bệnh nhân hiếm hoi chống chịu được căn bệnh này. Nên việc nuôi nấng cả 2 cháu sau này rất vất vả.
“Những lần được ra đảo thăm anh, tôi cảm nhận rõ người lính đảo phải đương đầu với nhiều gian lao, thiếu thốn. Những con sóng dữ, những ngày nắng cháy da, những bữa cơm ăn vội hay những đêm bão tố gầm gào, giấc ngủ không yên. Thương anh, tình yêu trong tôi dành cho anh càng lớn lên, bản thân càng mạnh mẽ hơn để chăm lo cho các con, động viên anh ấy yên tâm hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng giữ chủ quyền biển đảo, bảo vệ Tổ quốc”, chị Nguyệt chia sẻ.
Phía sau những lời nói mạnh mẽ hòa lẫn những giọt lệ trong mắt của người phụ nữ 42 tuổi là biết bao những vất vả mà chị Nguyệt cũng như những người vợ của lính đảo khác đang ngày đêm hy sinh thầm lặng để các anh vững tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng.
Con ốc đong đầy kỷ niệm
Mỗi khi nhớ chồng, chị Vũ Thị Trải thường mang món quà kỷ niệm là con ốc biển ra ngắm
Tổ ấm của những người lính đảo có khi đơn giản là những câu chuyện mộc mạc như thế nhưng lại là động lực tinh thần vô cùng to lớn đối với các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa.
Trung úy Phạm Đình Tuấn ở thôn Thượng Bì 2, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) đang làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lớn (quần đảo Trường Sa). Anh Tuấn đã có 8 năm công tác nơi đảo xa. Anh có vợ là cô giáo trẻ Vũ Thị Trải (sinh năm 1993) ở Trường Mầm non Yết Kiêu. Đôi bạn trẻ bén duyên và cưới nhau năm 2014, có với nhau được 1 con gái tên Hà Thu 4 tuổi.
Cô giáo Trải chia sẻ: “Mỗi lần anh về nghỉ phép chỉ 1 tháng hoặc 20 ngày, nhưng khi có việc đột xuất 1 tuần anh lại lên đường ra đảo. Yêu anh, thương anh đối mặt với nhiều gian nan nơi tiền tiêu của Tổ quốc, tôi lại càng mạnh mẽ hơn, chăm lo cho con và chu toàn gia đình hai bên cũng như công việc chuyên môn để anh yên tâm làm nhiệm vụ".
Những lúc nhớ anh Tuấn nhất, chị Trải thường xem ảnh hoặc mang những con ốc biển anh gửi từ đảo về ngắm cùng con gái, thủ thỉ với con gái những câu chuyện về bố Tuấn. Những món quà ấy tuy giản dị nhưng chất chứa bao tình cảm của người chồng.
Chia tay cô giáo Trải, chúng tôi đến gia đình thượng úy Đặng Tiến Hai (sinh năm 1993) đang làm nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa).
Mẹ anh Hai, cô Đặng Thị Xuê ở thôn Đươi, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) tâm sự: “Khi Hai ra đảo nhận nhiệm vụ, vợ chồng tôi rất lo lắng vì xem ti vi thấy trên Biển Đông, việc tranh chấp chủ quyền căng thẳng, phức tạp. Bà ngoại cháu còn không cho đi vì nhà có 2 đứa con trai đều đi xa hết. Nhưng tôi nghĩ ai cũng muốn con gần nhà thì lấy ai bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”.
Cô Xuê cũng yên tâm vì Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến quân và dân trên đảo. Hằng năm, cán bộ địa phương đều đến thăm hỏi động viên gia đình. Người mẹ 54 tuổi bồi hồi kể: “Hai là đứa sống rất tình cảm. Nhớ nó nhất là khi bệnh xương khớp của tôi tái phát, vì ngày trước nó hay xoa bóp cho tôi. Dịp Tết, nhà nhà quây quần đầm ấm, lúc ấy lại thấy hụt hẫng như thiếu một thứ gì đó”.
Để Hai yên tâm làm nhiệm vụ, bố mẹ anh luôn giữ gìn sức khỏe, kinh doanh thêm để tăng thu nhập.
Phía sau những người lính đảo rắn rỏi là sự đóng góp âm thầm của những người mẹ, người cha, người vợ. Sẽ còn nhiều câu chuyện xúc động được họ viết tiếp. Họ chính là động lực để những người lính đảo vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, phát huy phẩm chất người lính bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân trong lòng nhân dân.
THẾ ANH