Chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các vấn đề liên quan đến tính xác thực của các tổ chức, cơ quan trên mạng xã hội.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đánh giá cao nỗ lực của ngành và đồng tình cao với Báo cáo số 510 với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, đại biểu tâm đắc với kết quả có thể nói là đột phá về việc Bộ làm việc với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google, hay Tiktok, để yêu cầu họ tuân thủ pháp luật Việt Nam hay Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội về cẩm nang nhận diện và xử lý thông tin giả cho người sử dụng.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị đã có trang fanpage trên Facebook và có danh tính xác thực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tương tác với người dân, nhưng chưa được cấp tài khoản chính thống. Vì vậy, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết giải pháp để hỗ trợ định hướng và chính thống hóa các trang này, nhằm đảm bảo an toàn, tránh rủi ro, mất kiểm soát điều hành và thể hiện trách nhiệm của các trang này trước xã hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, một số nền tảng mạng xã hội đã có tính năng hỗ trợ vấn đề này, như Facebook với tính năng “tích xanh”, nhưng chưa phải tất cả mạng xã hội có tính năng này. Do đó, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các mạng xã hội để phát triển tính năng này. Về cơ bản, đến cuối năm, Bộ sẽ thể chế hóa quy định trên internet.
Đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) nêu, thời gian qua, để được sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube, hoặc các website có máy chủ ở nước ngoài vào mục đích quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được thẩm định, nội dung quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận. Quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh sử dụng danh nghĩa của các cơ quan như y tế, cắt ghép hình ảnh của VTV, bệnh viện, Bộ Y tế; ý kiến phản hồi của người bệnh, người nổi tiếng, quảng cáo thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh vẫn diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để xử lý vấn đề này căn cơ, lâu dài theo của Nghị quyết số 75/2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua, Việt Nam đã có cơ chế làm việc với các nền tảng xã hội về việc gỡ bỏ các thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật; đồng thời, thể chế hóa các quy định về trách nhiệm của các bên. Hiện nay, tỷ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý Nhà nước về gỡ những thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội nghiêm minh, nhưng vấn đề là phải có phát hiện và báo cáo. Vấn đề đặt ra, các bộ, ngành, địa phương nào quản lý thông tin trong thế giới thật, phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng. Nếu thực thi gặp khó khăn sẽ có hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.
Mặt khác, các bộ, ngành lên không gian mạng chưa nhiều và cho rằng đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là quan niệm cần được thay đổi.
Theo báo Tin tức