Tình trạng xâm hại trẻ em làm nóng nghị trường

05/06/2018 19:37

Sáng 5.6, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Không có việc doanh nghiệp FDI sa thải công nhân từ 30-35 tuổi

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) về tình trạng hiện nay nhiều người lao động ở biên giới tự do ra bên ngoài làm việc diễn ra khá phổ biến, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết việc này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm, giao Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ LĐ-TBXH, Bộ Công an tập trung xử lý. Ước tính có khoảng 139.000 người lao động thường xuyên qua lại ở biên giới các tỉnh giáp ranh.

Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Thủ tướng đã giao Bộ LĐ-TBXH hỗ trợ 7 tỉnh phía Bắc ký kết biên bản ghi nhớ với các tỉnh giáp ranh của Trung Quốc để thống nhất trong việc quản lý, bảo đảm điều kiện cho lao động, tránh những rủi ro không đáng có. Phấn đấu trong tháng 7.2018, việc này sẽ thực hiện xong. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cũng đã thống nhất việc áp dụng cơ chế đối với lao động Việt Nam như đối với 3 nước biên giới của Thái Lan. Phía Lào, các cơ quan chức năng Việt Nam đang triển khai phương án trao đổi thông qua hiệp định chung.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) về việc bảo vệ quyền lợi của lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và giải pháp ngăn ngừa tình trạng người lao động đến tuổi 35 bị sa thải, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết khu vực FDI có khoảng 6,8 triệu lao động Việt Nam đang làm việc. Đa phần các doanh nghiệp lớn rất quan tâm đến đời sống phúc lợi của người lao động. Một số vụ việc sai phạm chủ yếu xảy ra tại doanh nghiệp FDI nhỏ lẻ.

Đối với ý kiến cho rằng tỷ lệ các doanh nghiệp FDI sa thải người lao động từ 30-35 tuổi cao, thậm chí có viện nghiên cứu đưa ra con số 80%, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ đây là thông tin không chính xác. Khi có thông tin này, Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp với Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH kiểm tra, khảo sát thực tiễn ở một số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh. Kết quả cho thấy chỉ có 11% số lao động nghỉ việc, trong số này có các lao động từ 30-35 tuổi. Số lao động xin nghỉ vì nguyện vọng cá nhân chứ không phải tất cả bị sa thải.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Bộ LĐ-TBXH xây dựng đề án tổ chức đào tạo và đào tạo lại công nhân lao động FDI bị thất nghiệp hoặc hỗ trợ chuyển nghề cho người lao động khi các doanh nghiệp này thay đổi cơ cấu sản xuất. Đề án này sẽ được triển khai một cách chu đáo, bảo đảm tốt cho người lao động.

Nhiều vụ xâm hại chỉ được xử lý khi có ý kiến lãnh đạo cấp cao


Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Vũ Thị Thủy chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sáng 5.6

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu QH.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đau xót nhắc đến vụ việc ở Cà Mau (bé gái 13 tuổi tự tử sau khi tố cáo nhiều lần bị hàng xóm xâm hại), nạn nhân nói không ai nghe, đến khi cháu tự tử mới thấy sai lầm. "Không nên để những câu chuyện như thế xảy ra. Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách nhưng các gia đình nạn nhân tôi gặp đều thấy họ rất đơn độc", đại biểu Nhưỡng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết về mặt khung pháp lý hiện nay cơ bản đảm đã bảo thống nhất, đồng bộ để bảo đảm quyền lợi trẻ em nhưng thời gian qua có một số vụ việc kéo dài xử chưa nghiêm minh, nhiều vụ việc khi có ý kiến của lãnh đạo cấp cao rồi mới tiến hành. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các cấp, ngành, cơ quan chức năng đánh giá thực chất hoạt động của mình thế nào.

"Vụ ông Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu, ngay khi kết thúc phiên toà phúc thẩm xử án treo, tôi gọi điện trực tiếp đến Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nói rõ quan điểm không đồng tình với kết quả xét xử và đề nghị 2 cơ quan xem xét lại, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và ý kiến này đã được ghi nhận, thực hiện. Đối với vụ nghệ sĩ Minh Béo về nước sau khi bị xét xử vẫn tổ chức hoạt động văn hoá nghệ thuật liên quan đến trẻ em, cá nhân tôi đã có ý kiến không chấp nhận...", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.

"Chia lửa" với Bộ trưởng Dung, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết liên quan tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, chỉ trong 6 tháng vừa qua đã khởi tố 701 vụ, truy tố 753 vụ với 805 bị can, đã đưa ra xét xử 648 vụ với 690 bị can. "Bảo vệ trẻ em hiệu quả phải bảo đảm từ khâu phòng ngừa, nhiều cơ quan có trách nhiệm nhưng cần có nhạc trưởng phối hợp nhịp nhàng", Viện trưởng Lê Minh Trí nói.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng: "Mong muốn của đại biểu QH cũng như của cử tri là làm sao không để xảy ra loại tội phạm này, cơ quan tố tụng thất nghiệp thì càng tốt. Nhưng đã xảy ra thì phải làm chỉn chu, không được để lọt loại tội phạm này".

Đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hoá), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng cơ quan tư pháp có cái khó trong tố tụng nhưng có những vụ việc chưa tích cực. Như vụ việc ở Cà Mau, Thủ tướng có ý kiến, dư luận lên án mới vào cuộc sau khi cháu bé tự tử. Vụ án Nguyễn Khắc Thủy phải có ý kiến của Chủ tịch nước, dư luận lên án mới xét xử. "Như vậy, có phải chỉ khi có ý kiến của lãnh đạo cấp cao và dư luận lên án mới làm dứt điểm. Còn những vụ dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không vào cuộc thì sao, cơ quan tư pháp phải làm rõ vấn đề này", đại biểu Nga nói và đề xuất cần phải có quy trình tố tụng trực tiếp đối với loại tội phạm xâm hại tình dục để khắc phục những hạn chế nêu trên...

Ngày 6.6, QH tiếp tục làm việc tại hội trường với phần chất vấn và trả lời chất vấn.

TTXVN-TT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình trạng xâm hại trẻ em làm nóng nghị trường