Đình Lý Đỏ thuộc xã Tân Việt (Bình Giang) là công trình có kiến trúc độc đáo khiến ai có dịp đến thăm đều ấn tượng.
Kiến trúc độc đáo ở đình Lý Đỏ
Chứng tích lịch sửĐình thờ thành hoàng làng có tên là Thiện Quang, nhân vật hiền đức thời nước ta còn chịu sự đô hộ của nhà Tây Hán. Hồi làm chức "Liệt Hầu", một lần ông đi thị sát, đến trại Triền Đổ (Lý Đỏ ngày nay), thấy phong tục tập quán nơi đây còn lạc hậu liền lập trường dạy học cho nhân dân. Nhân dân cảm phục thưa với ông: “Nơi đây ngày nay là học đường, ngày sau làm nơi phụng thờ”. Khi đó Giao Châu có đạo tặc quấy nhiễu, mọi người tiến cử ông là người bản châu đức trọng, quy phục được lòng người đi dẹp loạn. Ông tuyển quân binh, sai quan văn truyền hịch, khuyên bảo rõ điều họa phúc. Đạo tặc nghe thấy tỉnh ngộ bỏ binh khí ra hàng. Sau này, ông được phong làm Thái Thú, hình phạt được giảm nhẹ, dân chúng đều được yên ổn làm ăn. Khi ông mất, nhân dân Lý Đỏ lập đền thờ tôn làm thành hoàng.
Ông Vũ Đình Tuyển, cán bộ văn hóa xã Tân Việt (Bình Giang) cho biết: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Lý Đỏ là nơi hoạt động bí mật của Trung đội 42 huyện Bình Giang, du kích và chi bộ đảng địa phương. Đình là nơi Đại đội Lê Lợi tập trung để từ đây đi đánh phá đường 5, tuyến giao thông huyết mạch của thực dân Pháp. Đình cũng từng là địa điểm bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của địa phương năm 1946.
Năm 1953, thực dân Pháp cho dồn tề lập ấp, nhân dân Lý Đỏ đứng lên đấu tranh, chúng cho máy bay và quân đội đến càn quét. Ngôi đình đã bị thực dân Pháp ném bom, chỉ còn lại 3 gian đại bái. Đến năm 1990, nhân dân đã phát tâm công đức tôn tạo gian hậu cung.
Lễ hội đình được tổ chức vào ngày 10-2 âm lịch với các nghi lễ truyền thống như: bao sái đồ thờ tự, dâng hương tưởng nhớ thành hoàng, tế lễ. Phần hội tổ chức một số trò chơi dân gian như: đi thuyền rồng hát quan họ, cờ tướng...
Nghệ thuật điêu khắc dân gian độc đáoNói đến đình Lý Đỏ phải kể sự độc đáo của các hạng mục kiến trúc truyền thống. Đại bái mái lợp ngói mũi truyền thống, kết cấu chất liệu gỗ tứ thiết. Hệ thống cột cái có đường kính 46cm, cột quân có đường kính 43cm, đặt lên các chân đá tảng nguyên khối. Bước vào 3 gian đại bái, ta sẽ bắt gặp các mảng chạm khắc trau chuốt, đa dạng với các đề tài tứ linh: “long, ly, quy, phượng”, tứ quý; “tùng, cúc, trúc, mai”…
Hầu hết trên các mảng chạm khắc tại đình Lý Đỏ đều bắt gặp hình ảnh của rồng. Rồng vốn là linh vật thể hiện cho quyền uy của nhà vua hay hoàng gia. Nhưng tại đình Lý Đỏ, hình tượng rồng xuất hiện không còn mang ý nghĩa của sức mạnh vương quyền mà là hình ảnh của con vật linh thiêng trong bộ tứ linh, thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng làng xã xưa.
Đặc biệt hình tượng rồng trên các bức cốn tinh xảo tại gian trung tâm tòa đại bái đình Lý Đỏ đề tài “Lưỡng long tranh châu” và “Long hý thủy”, xuất hiện với nhiều dáng vẻ khác nhau cho thấy sự liên tưởng phong phú của người nghệ nhân dân gian. Nổi bật là hình tượng rồng ngậm minh châu được các nghệ nhân thổi hồn vào như đang gồng mình gánh đỡ lo toan, vất vả của thế giới hiện thực.
Điều lý thú và đặc sắc tại đình Lý Đỏ là trên hệ thống xà nách, hình ảnh con rùa cũng xuất hiện với nhiều kiểu dáng và tư thế khác nhau. Đôi khi nó ẩn mình trong những đám lá sen nhưng cũng có lúc nó đang đắm mình trên những con sóng của dòng nước tạo sự uyển chuyển, tinh tế.
Tại di tích còn xuất hiện hình tượng độc đáo của những con nghê, linh thú do người Việt sáng tạo ra. Nghê là hóa thân của con chó, người bạn thân thiết với người dân Việt Nam. Nếu con chó là vật canh giữ của cải, nhà cửa cho người dân, thì nghê là con vật canh giữ đình miếu về mặt tinh thần, chống lại tà ma, ác quỷ.
Ngoài những linh vật, tại di tích đình Lý Đỏ, các nghệ nhân còn khắc họa trên những bức cốn hình ảnh các con vật khác sinh động từ cuộc sống đời thường như tôm, cua, cá… minh chứng cho cuộc sống bình dị của người dân quê. Những mảng chạm khắc tại đình Lý Đỏ minh chứng cho thành tựu, sự độc đáo, đặc sắc của nền mỹ thuật cổ Việt Nam.
Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu, điền dã, thông qua thần tích, thần sắc, ngọc phả, hương ước, lịch sử nhân vật thờ, sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, phong tục tập quán và lễ hội, nội dung văn bia “Tôn Thần sự tích bi chí” và quy mô kiến trúc cảnh quan của di tích, năm 2014, đình Lý Đỏ đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
NGỌC HÙNG