4 năm qua, các đội tình nguyện viên sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng ở Hải Dương đã âm thầm giúp đỡ hàng nghìn trường hợp không may gặp tai nạn rủi ro.
Không kể ngày đêm
Một buổi trưa cách đây 3 tuần, vừa bưng bát cơm lên, ông Nguyễn Văn Muôn (67 tuổi), Đội trưởng Đội tình nguyện viên sơ cấp cứu ban đầu xã Tuấn Việt (Kim Thành) nhận được tin báo có một phụ nữ ở địa phương gặp tai nạn khi đi bộ qua quốc lộ 5. Ông vội buông bát đũa, gọi điện cho các thành viên trong đội rồi với bộ đồ sơ cấp cứu tức tốc tới hiện trường. Ông Muôn cùng các thành viên trong đội nhanh chóng đánh giá tình hình, phối hợp nhân viên Trạm Y tế xã tiến hành sơ cứu rồi gọi xe đưa nạn nhân đi cấp cứu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (TP Hải Phòng).
Hơn 2 tháng trước, tại xã Tuấn Việt xảy ra vụ cháy kho chứa phế liệu của một hộ kinh doanh. Ông Muôn và các thành viên Đội tình nguyện viên sơ cấp cứu ban đầu là một trong những lực lượng có mặt tại hiện trường đầu tiên, liên hệ và phối hợp các lực lượng chức năng, tri hô nhân dân tham gia dập lửa. “Bất cứ sự việc gì xảy ra trên địa bàn khiến người dân gặp hạn hoặc có nguy cơ gặp rủi ro là chúng tôi đều có mặt, không kể ngày đêm, mưa nắng”, ông Muôn chia sẻ.
Ông Đào Quang Xuyên (68 tuổi), Đội trưởng Đội tình nguyện viên sơ cấp cứu xã Cộng Hoà (cùng huyện Kim Thành) cho biết chỉ tính quốc lộ 5 đoạn từ ga Phạm Xá đến cầu Lai Vu mỗi năm cũng xảy ra hàng chục vụ tai nạn và va chạm giao thông. 4 năm qua, ông cùng các thành viên trong đội đã giúp đỡ hàng trăm người gặp tai nạn giao thông trên đoạn đường này. “Có những vụ chúng tôi băng bó vết thương, cầm máu để giúp nạn nhân giữ được tính mạng trong khi chờ xe cứu thương đến. Nhưng cũng có những nạn nhân chúng tôi phải sử dụng xe riêng chở đi ngay nếu không sẽ rất nguy hiểm. 30 Tết năm vừa rồi, hai bố con tôi chở một nạn nhân về Hưng Yên, quay về đến nhà đúng lúc giao thừa”, ông Xuyên nói.
Từ ngày thành lập (năm 2020) đến nay, không chỉ giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông trên quốc lộ 5, các thành viên Đội tình nguyện viên sơ cấp cứu xã Cộng Hoà còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiến thức sơ cấp cứu người gặp tai nạn thương tích, đuối nước, điện giật... Đội đã tham gia cấp cứu 1 trẻ bị đuối nước, 2 lao động bị ngã giàn giáo…
Thành viên các đội tình nguyện viên sơ cấp cứu ban đầu ở Hải Dương hoạt động rất năng nổ, nhiệt tình dù không được nhận bất kỳ khoản phụ cấp nào. Đôi khi họ còn bỏ tiền cá nhân ra để mua vật tư, thuê xe chở nạn nhân đi cấp cứu. Cũng có người thường xuyên bị người khác cười cợt, chế giễu bởi chỉ chú tâm với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”… Ông Muôn chia sẻ: “Khi tham gia việc này chúng tôi cũng đối diện nguy cơ gặp tai nạn hoặc có thể bị lây bệnh do dính máu của người mắc bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, chúng tôi không thể khoanh tay đứng nhìn người khác đang gặp hoạn nạn như vậy”.
Tiếp tục nhân rộng
Ngày 21/11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương ra mắt thêm 8 đội tình nguyện viên sơ cấp cứu ban đầu Trung tâm hoạt động nhân đạo tỉnh và một số huyện, thành phố.
Trước đó, năm 2020, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thành lập 4 đội tại huyện Kim Thành. Các đội đều xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho từng thành viên. Tình nguyện viên các đội giữ mối liên lạc mật thiết với nhau để hỗ trợ nạn nhân nhanh chóng, kịp thời. Các thành viên lấy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Trong gần 4 năm qua, các đội đã sơ cấp cứu ban đầu cho gần 3.000 trường hợp gặp tai nạn thương tích trong cộng đồng...
Bà Nguyễn Thị Mừng, Trưởng Ban Chăm sóc sức khoẻ - truyền thông Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương cho biết thành lập các đội tình nguyện viên sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã và đang được các cấp Hội Chữ thập đỏ từ Trung ương tới địa phương quan tâm. Việc này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Hội sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức, thực hành kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho thành viên các đội, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng thêm các mô hình mới ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Các đội tình nguyện viên sơ cấp cứu ban đầu trong tỉnh đề nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ thêm trang thiết bị, dụng cụ cần thiết để triển khai được nhiều hơn nữa những việc làm có ích cho cộng đồng.
BÌNH MINH