Lòng mẹ thật bao la, chan chứa yêu thương, sự đồng cảm và tinh tế, ngay cả khi con đã lớn, đã biết yêu.
Thay cho lời ru BÙI KIM ANH |
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”(1) - tôi nhớ đến câu thơ nổi tiếng đó của Chế Lan Viên khi đọc bài thơ này của nhà thơ-nhà giáo Bùi Kim Anh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Lòng mẹ thật bao la, chan chứa yêu thương, sự đồng cảm và tinh tế, ngay cả khi con đã lớn, đã biết yêu.
Nhan đề và tứ của bài thơ đều đặc sắc. Nhan đề: không phải là “Lời ru” mà là “Thay cho lời ru”. Con đã lớn, mẹ không còn ru con như hồi con thơ bé nữa, nhưng tình mẹ vẫn đong đầy, dâng tràn trong lời bài thơ an ủi con, nên mẹ gọi là “thay cho lời ru”. Tứ của bài thơ: nỗi đau thất tình của con gái và tình thương của người mẹ dành cho con khi con phải chịu nỗi đau buồn ấy. Một tứ thơ rất hiếm gặp.
Bài thơ giản dị, dễ hiểu và dễ cảm như chính lời tâm tình của mẹ với con gái. Nhưng vẫn rất thơ, rất chọn lọc ngôn từ chứ không thô mộc. Trước hết là sự diễn đạt nỗi đau thất tình của người con gái. Tác giả chỉ dùng chữ “đến”, “rồi đi lặng lẽ” - rất nhẹ nhàng mà thấm thía để miêu tả sự rời bỏ của người yêu cô con gái. Nhưng thế là đủ để đau đớn “nước mắt con lạnh nơi ngực mẹ”. Từ “lạnh” thật đắt giá. Nó vừa diễn tả sự đau đớn của cô con gái, vừa diễn tả sự đồng cảm, xót xa của người mẹ. Cô gái thất tình, mối tình đầu “cơn mưa đầu ướt đẫm làn mi”, tìm về mẹ để trút lệ, sẻ bớt nỗi đau. Người mẹ không nói một lời, chỉ lặng yên để con khóc, nhưng nơi ngực mẹ - trái tim mẹ như thấm buốt nỗi đau của con, mẹ cũng đau cùng con. “Nước mắt con lạnh nơi ngực mẹ”, nếu thay từ “lạnh” bằng từ khác, chẳng hạn “thấm đầy ngực mẹ” sẽ kém hiệu quả nghệ thuật hơn nhiều.
Người mẹ còn dõi theo giấc ngủ của con, để xót xa thấy nỗi đau của con vẫn còn đó, trăn trở, dằn vặt: “giấc ngủ vô tư chợt nghẹn lên tiếng nấc”. Nỗi đau hóa thành “cơn mưa đầu ướt đẫm làn mi”. Cô gái hồn nhiên, vô tư giờ đã nếm trải đau buồn - có lẽ là nỗi đau lớn đầu tiên trong cuộc đời non trẻ. Mẹ hiểu hết, nhưng không thể làm gì hơn ngoài việc dõi theo con: “Chỉ có nỗi đau tình yêu không biết trước/ con lặng bước một mình”. Mẹ thương con lắm, yêu và đau cho con lắm, nhưng đó là trải nghiệm mà con phải tự gánh, tự đi qua khi vào tuổi yêu. Mấy ai có cái kết đẹp ngay từ cuộc tình đầu! Và đừng buồn quá, vì vẫn có mẹ san sẻ.
Người mẹ an ủi, động viên con rất dịu dàng: “Cứ mỗi chiều vụt tắt bình minh/hãy ngủ đi/giọt nắng nhỏ nhoi của mẹ/đêm xoa dịu nỗi đau/ đêm ủ con trong lòng mẹ/để sớm mai bừng dậy nụ cười”. Những câu thơ thật êm dịu, lạc quan. Người mẹ vẫn mong và tin con sẽ “sớm mai bừng dậy nụ cười”, thay vì “giấc ngủ vô tư chợt nghẹn lên tiếng nấc” và “cơn mưa đầu ướt đẫm làn mi”. Dù đã lớn, đã trưởng thành, cô gái vẫn là “giọt nắng nhỏ nhoi của mẹ” và mẹ mong cô sẽ luôn ấm áp, tươi vui như giọt nắng ấy. Hình ảnh “nắng” được lặp lại ở câu cuối bài thơ như biểu tượng của niềm vui và hy vọng: “Mẹ đi lau chiếc gương nơi sáng nắng nhà mình”.
Nỗi đau tình yêu cũ sắp lùi xa, một tình yêu mới sẽ lại đến với cô gái như tia nắng mới. “Nụ hôn tình yêu sẽ gắn lành nỗi đau nức nở” - đó là hy vọng và cũng gần như một quy luật “hết mưa là nắng hửng lên thôi”(2).
Bài thơ nhẹ nhàng và sâu sắc. Đọc bài thơ, người đọc thêm yêu, thêm trân trọng những người mẹ và tình mẫu tử.
------------------------
(1): Trích trong bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên.
(2): Trích bài thơ “Trời hửng” trong “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nam Trân dịch).
TRẦN THỊ TÍCH