Tinh giản biên chế: Bài toán không dễ

12/12/2017 06:43

Tinh giản biên chế, khoán kinh phí hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, khu dân cư được nhiều đại biểu thảo luận tại tổ chiều 11.12.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Hưng

Vênh chính sách

Ông Đoàn Việt Hùng cho biết, việc dừng lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn ở cả khối hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp theo kết luận của Bộ Nội vụ là chủ trương đúng nhưng tỉnh cần phải tổ chức thi tuyển để bổ sung biên chế làm những công việc trước kia của lao động hợp đồng. Nhiều phòng, ban của thành phố, thị xã, huyện có 3-4 người nên các vị trí lãnh đạo đã chiếm gần hết, không có chuyên viên làm chuyên môn.

Ông Hùng cũng băn khoăn đối với các cán bộ được luân chuyển xuống cơ sở công tác, sau khi trở về không còn vị trí để sắp xếp. "Thành phố có 25 cán bộ đang thực hiện luân chuyển. 6 người luân chuyển ngang thì không tính. Còn 19 công chức của thành phố luân chuyển xuống cơ sở sau 3 năm trở lại không biết bố trí việc làm thế nào khi biên chế ngày một co hẹp. Trong khi đó, các vị trí trước đó những người này để lại đã bố trí người khác". Ông Đoàn Việt Hùng đề nghị tỉnh cần có dư địa biên chế để bố trí cho những cán bộ sau khi được luân chuyển trở lại công tác.

Bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết đang có mâu thuẫn giữa đề án tinh giản biên chế và đề án vị trí việc làm. Theo đề án vị trí việc làm thì biên chế tăng nhưng thực hiện đề án tinh giản biên chế thì lại giảm. Bà Liễu đề nghị tỉnh xem xét lại hai đề án này. "Cần phải có sự điều chỉnh các văn bản cho thống nhất về mặt chủ trương, cách làm khi thực hiện", bà Liễu nói.

Theo ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ, việc thực hiện tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy đang thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 6 và nhiều văn bản khác. Theo đó, không được tăng biên chế hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ năm 2017 - 2021. Hải Dương là 1 trong 11 tỉnh đang thực hiện giao tăng hơn so với biên chế Bộ Nội vụ giao. Tỉnh đang yêu cầu tinh giản toàn bộ số biên chế dự bị đã được giao cho các huyện năm 2003. 

Phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách


Đại biểu Trịnh Thúy Nga (Ninh Giang)

Quy định về phụ cấp cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn, khu dân cư, nhất là sau khi thực hiện Đề án 01, nhiều chức danh đã kiêm nhiệm, đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) đề nghị cần quy định rõ thời gian “cứng” về việc bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận. Cùng với đó, phải quy định rõ mức phụ cấp của từng chức danh kiêm. Trên thực tế, cá biệt có thôn đông, trên 6.000 dân nhưng tờ trình mới quy định được đến mức thôn có 2.500 dân trở lên là chưa bao quát hết những thôn quá đông.

Đại biểu Đoàn Việt Hùng (TP Hải Dương) cho biết, TP Hải Dương hiện có tới 92% cán bộ chi bộ, thôn, khu dân cư là cán bộ hưu, thu nhập trung bình trở lên. Do đó, mức tăng phụ cấp như đề xuất chưa đủ sức động viên cán bộ làm việc. Đại biểu Hùng đề nghị việc kiêm nhiệm các chức danh này trên địa bàn TP Hải Dương nên có lộ trình kéo dài hơn. 

Bà Phạm Thị Thu Bình, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh băn khoăn hiện nay mức khoán kinh phí cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã  7 triệu đồng/năm, cá biệt có những xã khó khăn chưa cấp đủ 7 triệu đồng đã quá lạc hậu so với một số địa phương lân cận như Hưng Yên khoán tới 15 triệu đồng/năm. Mặc dù Tờ trình của UBND tỉnh sẽ nâng mức khoán lên 8 triệu đồng, 9 triệu đồng và 10 triệu đồng/tổ chức/năm tương ứng với cấp xã loại 3, loại 2 và loại 1 nhưng mức này vẫn thấp. Đại biểu Bình đề xuất, con số trên phải được nâng lên tương ứng ở mức 11 triệu đồng, 12 triệu đồng và 13 triệu đồng/tổ chức/năm.

Với khu dân cư, đại biểu Bình đề nghị cần nâng mức khoán lên 3 triệu đồng, 4 triệu đồng và 5 triệu đồng/tổ chức/năm tương ứng với các thôn, khu dân cư có số dân dưới 1.000 người, từ 1.000 - 2.500 người và trên 2.500 người thay vì mức 2,5 triệu đồng, 3 triệu đồng và 3,5 triệu đồng/tổ chức/năm như Tờ trình của UBND tỉnh. 


Đại biểu Ngô Thị Thu (Kim Thành)

Về công tác an sinh xã hội, đại biểu Ngô Thị Thu (Kim Thành) cho biết tỉnh đang thực hiện trợ cấp 270.000 đồng/tháng cho những người từ 80 tuổi trở lên nhưng quy định này hiện không còn phù hợp. Đại biểu Thu đề nghị tỉnh cần xem xét hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp xuống 75, đồng thời nâng mức trợ cấp lên theo mức lương tối thiểu để thuận lợi hơn trong quá trình điều chỉnh. "Đi tiếp xúc, cử tri đề nghị tỉnh cần hạ thấp độ tuổi được hưởng trợ cấp đồng thời có cơ sở để tính mức trợ cấp cho phù hợp, không nên quy định cứng", đại biểu Thu nói.

NHÓM PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh giản biên chế: Bài toán không dễ