Một cơ quan tình báo Mỹ tin rằng SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm nào đó. Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ (ODNI) cho biết chưa có đủ thông tin để xác quyết.
Gần 18 tháng kể từ khi các ca mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán, câu hỏi về nguồn gốc của virus gây bệnh vẫn chưa có lời giải đáp - Ảnh: REUTERS
"Cộng đồng tình báo Mỹ không biết chính xác nơi nào, khi nào hoặc cách thức virus corona gây COVID-19 (SARS-CoV-2) lây lan vào lúc ban đầu", Hãng tin Reuters trích thông cáo của ODNI ngày 27.5 đặt vấn đề.
Theo Reuters, cộng đồng tình báo Mỹ gồm 17 cơ quan lớn nhỏ, có nhiệm vụ thu thập và phân tích, đánh giá các thông tin tình báo.
Ít nhất 2 cơ quan trong số này tin rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên và 1 cơ quan khẳng định virus đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm. Theo ODNI, đây cũng là 2 giả thuyết "có khả năng xảy ra".
ODNI từ chối cho biết tên của các cơ quan trên nhưng cho biết mức độ đáng tin cậy của 2 giả thuyết ở mức "thấp hoặc trung bình". Theo Reuters, trong các thuật ngữ về tình báo, mức độ tin cậy thấp hoặc trung bình nghĩa là các bằng chứng vẫn chưa đủ mạnh để đưa ra kết luận.
Một nguồn tin quen thuộc với cộng đồng tình báo Mỹ tiết lộ Cục Tình báo trung ương (CIA) và Cơ quan tình báo quốc phòng không nghiêng về giả thuyết nào. Theo nguồn tin này, phần lớn cộng đồng tình báo Mỹ vẫn chọn cách "đi dây" với lý do chưa có đủ thông tin để kết luận giả thuyết nào có khả năng xảy ra hơn.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đẩy mạnh việc điều tra lại nguồn gốc SARS-CoV-2, cho rằng nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã không được tiếp cận đầy đủ "dữ liệu thô" khi đến Trung Quốc.
Báo cáo được WHO công bố hồi tháng 3.2021 cho rằng rất có thể virus corona đã nhảy từ dơi sang một loài động vật trung gian trước khi lây cho người. Nhóm chuyên gia cũng nhận định khả năng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".
Trong một tuyên bố ngày 27.5, phái bộ Mỹ tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra thứ hai về nguồn gốc COVID-19. Theo phía Mỹ, cuộc điều tra hồi cuối tháng 1 và đầu tháng 2 do WHO dẫn đầu là "chưa hiệu quả nên chưa thể kết luận".
"Điều quan trọng là Trung Quốc phải cung cấp cho các chuyên gia độc lập quyền truy cập đầy đủ vào dữ liệu gốc, các mẫu vật liên quan để tìm hiểu nguồn gốc virus cũng như giai đoạn đầu của đại dịch", phái bộ Mỹ tại Geneva nêu quan điểm.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ sau đó đã đáp lại đầy thách thức, nhấn mạnh những cuộc điều tra này không nên chỉ nhắm vào Trung Quốc.
"Chúng tôi chỉ ủng hộ một nghiên cứu toàn diện về tất cả các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên trên thế giới, cũng như một cuộc điều tra kỹ lưỡng về một số căn cứ và phòng thí nghiệm sinh học bí mật trên toàn cầu", phía Trung Quốc phản pháo.
Một số nhà ngoại giao của Bắc Kinh đã tung thuyết âm mưu quân đội Mỹ là người mang SARS-CoV-2 tới Vũ Hán. Họ nhấn mạnh không phải dịch xuất hiện ở đâu đầu tiên thì nguồn gốc mầm bệnh ở đó, rằng có những ca mắc COVID-19 xuất hiện ở nước ngoài và trước khi dịch bùng phát ở Trung Quốc nhưng không được ghi nhận.
Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc như ở trên phần nào cho thấy Bắc Kinh vẫn tiếp tục thúc đẩy thuyết âm mưu này như một cách để đối chọi với các giả thuyết của Mỹ.
Theo Tuổi trẻ