Theo một dự thảo luật mới của Bộ Quốc phòng Đức, Cơ quan Phản gián Quân sự (MAD) nước này có thể sớm được cấp thêm quyền hạn để tự bảo vệ mình trước kẻ thù.
Dẫn dự thảo luật về việc mở rộng quyền hạn của MAD, hãng tin Welt ngày 28/6 tuyên bố cơ quan này đang tìm cách sử dụng khả năng tình báo mở rộng của mình bên ngoài các căn cứ quân sự của Đức trong các nhiệm vụ nước ngoài. Ngoài ra, họ muốn có thể giám sát không chỉ binh lính của mình mà còn cả binh lính nước ngoài bằng cách chặn liên lạc.
Bộ Quốc phòng Đức được cho là đang tìm kiếm các quyền hạn bổ sung để tăng cường sức mạnh cho MAD. Đây cũng nằm trong kế hoạch “bước ngoặt” an ninh mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã vạch ra trước đó, đề cập đến tình hình chính trị ở châu Âu và mối đe dọa được Berlin đánh giá gia tăng từ Nga.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức cho biết luật mới dự kiến có hiệu lực trong năm nay. “Luật sửa đổi trao cho Cơ quan Phản gián Quân đội những quyền lực cần thiết để bảo vệ Bundeswehr chống lại hoạt động gián điệp và phá hoại của các thế lực nước ngoài, cũng như chống lại những nỗ lực cực đoan xâm nhập từ bên trong hàng ngũ của cơ quan này”, thông báo nêu rõ.
Lý do Bộ Quốc phòng Đức muốn thúc đẩy thông qua dự luật càng sớm càng tốt là vì đến cuối năm 2027, một lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu gồm gần 5.000 quân dự kiến đóng quân thường trực ở sườn phía Đông của NATO trên lãnh thổ Litva, gần giáp với Belarus và vùng Kaliningrad của Nga.
Theo người phát ngôn của Bộ, MAD hiện tại chỉ được phép hoạt động trong doanh trại của Đức và chỉ ngăn chặn các hành động của binh sĩ trong trường hợp có nội gián khi làm nhiệm vụ ở nước ngoài.
Về phần mình, Moskva đã lên án kế hoạch thiết lập sự hiện diện lâu dài ở Litva của Đức, nói rằng động thái như vậy sẽ làm căng thẳng tiếp tục leo thang và tạo ra các điểm nguy cơ cho Nga dọc biên giới, từ đó buộc Nga phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để bảo đảm quyền lợi và an ninh của chính mình.
Nga cũng nhiều lần nhấn mạnh họ không gây ra mối đe dọa nào cho bất kỳ quốc gia NATO nào và không có kế hoạch hay lợi ích gì trong việc tấn công bất kỳ quốc gia châu Âu nào.