Những ngày này, niềm vui đã trở lại với người trồng cà rốt trong tỉnh khi việc thông thương ở trong và ngoài nước đã thuận lợi hơn.
Doanh nghiệp ở Cẩm Giàng đang khẩn trương sơ chế cà rốt để xuất khẩu sang Hàn Quốc
Giá tăng theo ngày
Hai ngày nay, dù trời mưa phùn dày hạt song tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng), cảnh mua bán cà rốt vẫn khá nhộn nhịp. Người dân ở đây đã mong chờ điều này gần một tháng nay. Anh Dương Ngọc Thái ở thôn Xuân Kiều phấn khởi nói: “Dù muộn nhưng còn hơn không. Tôi đã nghĩ tới phương án xấu nhất là phải nhổ bỏ 2 mẫu cà rốt để còn trồng rau vụ xuân. Khó khăn về vận chuyển được tháo gỡ nên thương lái quay lại thu mua nhiều hơn, giá bán cũng tăng lên từng ngày. Bà con đang bán cà rốt tại ruộng với giá 4.500-5.000 đồng/kg, cao hơn 1.000-1.500 đồng/kg so với tuần trước. Tuy giá không cao bằng thời điểm đầu vụ nhưng do củ già ngày nên sản lượng đạt từ 2-2,5 tấn/sào, người dân thu lãi từ 4-5 triệu đồng/sào”.
Xã Nhân Huệ (Chí Linh) cũng là vựa cà rốt của tỉnh với diện tích 120 ha. Dịch Covid-19 bất ngờ ập đến đã dập tắt niềm hân hoan cà rốt được mùa, được giá của người dân. Hoạt động thu mua bị ngưng trệ, nếu có cũng chỉ nhỏ giọt, không thấm tháp gì so với lượng cà rốt vẫn còn nằm tại ruộng. Theo ông Phạm Văn Tinh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nhân Huệ, đầu vụ ai cũng chắc mẩm sẽ lãi to vì trước giờ chưa thấy vụ cà rốt nào thuận như vậy. Củ to đều, mã sáng khiến nhiều thương lái phải xuống tiền sớm, đặt 10 triệu đồng/sào cho người dân vì sợ mất mối. Song từ lúc thành phố bị phong tỏa, niềm vui ấy cũng không còn, nông dân thấp thỏm trông ngóng người mua. Tuy tỉnh cũng tạo điều kiện cho các xe vận chuyển nông sản qua các chốt kiểm soát nhưng vì thủ tục phức tạp và tâm lý e ngại đi vào vùng dịch nên người trồng cà rốt xác định bán được đến đâu hay đến đó. Mặc dù vậy, mấy ngày nay, việc vận chuyển tiêu thụ cà rốt thuận lợi hơn, lượng cà rốt ùn ứ cũng vơi dần.
Việc vận chuyển cà rốt đi tiêu thụ đã thuận lợi
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hằng năm toàn tỉnh duy trì gieo trồng khoảng 1.500 ha cà rốt tập trung ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP Hải Dương với sản lượng từ 50.000-70.000 tấn. Dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương vào đúng dịp thu hoạch cao điểm cà rốt, một trong ba cây trồng thế mạnh của tỉnh. Hiện tại, việc vận chuyển cà rốt không còn bị kiểm soát gắt gao như trước nên cả người bán, người mua đều vui mừng vì không phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Xuất khẩu thuận lợi
Những năm trước, 90% sản lượng cà rốt của tỉnh được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… bằng đường biển qua cảng Hải Phòng. Năm nay, ngay từ đầu vụ các chủ cơ sở sơ chế, doanh nghiệp xuất khẩu đã xác định mất một thị trường lớn là Hàn Quốc vì từ tháng 12.2020 nước này đã thông báo ngừng nhập khẩu cà rốt trên toàn lãnh thổ Việt Nam vì lo ngại nhiễm tuyến trùng Radopholus similis. Khó khăn lại chồng khó khăn khi TP Hải Phòng quyết định "khóa chặt" đường thông thương của hàng hóa Hải Dương xuống cảng để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Hơn 50.000 tấn cà rốt nằm tại ruộng, 10.000 tấn đã sơ chế nằm trong kho lạnh chờ ngày xuất khẩu làm người dân và doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Với nỗ lực của các cấp, ngành, ngày 26.2 TP Hải Phòng có thông báo không kiểm soát các xe vận chuyển hàng hóa và Hàn Quốc cũng nhập khẩu cà rốt trở lại từ ngày 4.3. Niềm vui nhân đôi, từ nông dân đến chủ doanh nghiệp đều tranh thủ tận dụng thời gian còn lại của mùa vụ để đẩy nhanh thu hoạch, sơ chế và xuất khẩu cà rốt.
Nông dân Đức Chính thu hoạch cà rốt
Theo ông Nguyễn Đức Mệnh, đại diện Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng), mỗi năm công ty có kế hoạch thu mua khoảng 10.000 tấn cà rốt để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hợp đồng với đối tác nước ngoài bị hủy làm cho chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mà doanh nghiệp xây dựng bị gián đoạn. Hiện tại, con đường thông thương đã được nối lại nên công ty khẩn trương thu mua, sơ chế để trả gấp các đơn hàng. Dự kiến ngày 3.3, công ty sẽ xuất khẩu lô cà rốt đầu tiên sang Hàn Quốc qua cảng Hải Phòng.
Những nút thắt trong vận chuyển, tiêu thụ được tháo gỡ nên chỉ trong vài ngày tới, sản lượng cà rốt còn lại sẽ được thu hoạch xong, kết thúc một vụ cà rốt tuy chật vật nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành tới cuối vụ đã được đền đáp xứng đáng. Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Toàn tỉnh còn khoảng 30.000 tấn cà rốt. Dù sản lượng còn nhiều song không đáng lo ngại vì việc thông thương, xuất khẩu đã thuận lợi. Đây là tín hiệu khả quan để cứu vãn sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19”.
PV