Bản án nhận định trong quá trình công tác, ông Tuấn được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý, bản thân là giáo sư, tiến sĩ đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ, có công cứu sống nhiều người...
Cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG
Hơn 14 giờ chiều 21.4, Hội đồng xét xử bắt đầu tuyên án đối với cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và 11 người khác trong vụ nâng giá vật tư y tế gây thiệt hại hơn 53 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm đã xâm phạm lợi ích của nhà nước
Trong bản án được công bố chiều 21.4, hội đồng xét xử đánh giá tại phiên tòa các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết, các bị cáo thành khẩn ăn năn nên đây được xem xét là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Cáo trạng truy tố các bị cáo tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là đúng, bản án nêu.
Tòa nhận đình hành vi của cựu giám đốc bệnh viện Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm đã xâm phạm lợi ích kinh tế nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng uy tín cơ quan nhà nước, các cơ sở y tế, gây dư luận xấu trong xã hội.
"Để hợp thức thanh toán vật tư tiêu hao ứng trước của hai công ty, ông Tuấn chỉ đạo cấp dưới trình phê duyệt vật tư tiêu hao theo giá hai công ty gửi trước, chỉ đạo Phó Giám đốc Hoàng Thị Ngọc Hưởng liên hệ thẩm định giá theo "đặt hàng" giá ấn định trước" bản án nêu.
Ông Tuấn tiếp tục chỉ đạo phó giám đốc và thuộc cấp hợp thức hóa hồ sơ, thanh toán gói thầu của các công ty trái pháp luật, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 53 tỉ đồng.
Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn cùng 11 người khác nghe tòa tuyên án chiều 21.4 - Ảnh: GIANG LONG
Sai phạm của ông Tuấn không liên quan đến chuyên môn
Trong bản án, ông Tuấn bị xác định có vai trò chính, các cấp dưới của ông có hành vi giúp sức tích cực trong hợp thức, hoàn thiện hồ sơ thầu trái pháp luật, liên hệ thẩm định giá.
"Khi quyết định hình phạt các bị cáo, hội đồng xét xử nhận thấy ông Tuấn từng làm giám đốc hai bệnh viện lớn là Bạch Mai và Tim Hà Nội. Ông Tuấn là bác sĩ có chuyên môn cao, là chuyên gia đầu ngành tim mạch.
Quá trình công tác bác sĩ Tuấn được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý, bản thân là giáo sư tiến sĩ đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ, có công cứu sống nhiều người được trong cuộc đời y nghiệp và được nhân dân khen ngợi", bản án nêu các tình tiết giảm nhẹ của ông Tuấn "Tim".
Về hoàn cảnh thực hiện hành vi phạm tội của bác sĩ Tuấn, tòa đánh giá cựu giám đốc bệnh viện vi phạm quy định về đấu thầu trong bối cảnh ngành y tế gặp khó khăn về vật tư y tế do quy định đấu thầu còn nhiều bất cập.
Tại phiên tòa bị cáo nhận thức kịp thời, nhận hết hành vi phạm tội. Ông Tuấn cũng đã nộp lại toàn bộ số tiền được doanh nghiệp "biếu", ông Tuấn và gia đình cũng tự nguyện khắc phục hậu quả vụ án hơn 6 tỉ đồng.
Đáng chú ý, hội đồng xét xử nhận định hành vi phạm tội của bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn không liên quan chuyên môn ngành y mà xảy ra trong công tác quản lý.
Từ những lý lẽ trên, tòa cho rằng ông Tuấn có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên có thể áp dụng hình phạt dưới mức đề nghị của Viện Kiểm sát.
Về trách nhiệm dân sự, hội đồng xét xử ghi nhận cựu chủ tịch công ty Kim Hoà Phát đã hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại 6,6 tỉ đồng; vợ chồng bị cáo Phạm Thị Kim Oanh và Nguyễn Đức Đảng đã bồi thường cho bệnh viện 33 tỉ đồng, nên còn phải nộp 14 tỉ đồng.
Số tiền 10.000 USD được Hoàng Nga biếu, ông Tuấn đã nộp lại cùng 6 tỉ đồng tự nguyện khắc phục, hội đồng xét xử tuyên sung công quỹ nhà nước.
Mức án cụ thể của các bị cáo như sau:
Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố ngày 21.10.2021. Gần hai tháng sau (tháng 12), ông Tuấn bị cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt tạm giam. Tính đến nay, ông Tuấn bị tạm giam khoảng 1 năm 4 tháng. Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn bị tuyến mức án 3 năm tù và không bị cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành sau bản án.
Cùng tội danh với ông Tuấn, bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng (62 tuổi, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội), ông Đoàn Trọng Bình (63 tuổi, cựu Phó Phòng Vật tư) và cựu cán bộ bệnh viện Nghiêm Tuấn Linh cùng lĩnh 2 năm 6 tháng tù.
Một cựu cán bộ bệnh viện khác là Nguyễn Thị Dung Hạnh (54 tuổi) 2 năm tù.
Ba bố con giám đốc Công ty Vật tư y tế Hoàng Nga gồm: Phạm Huy Lập (71 tuổi), giám đốc bị tuyên 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty, con rể ông Lập) 3 năm 6 tháng tù; Phạm Thị Kim Oanh (kế toán trưởng, con gái ông Lập) 2 năm tù.
Bị cáo Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Kim Hòa Phát) 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Phó tổng giám đốc Công ty Định giá AIC Trần Phú Hưng lĩnh 2 năm 6 tháng tù, Nguyễn Hồng Dũng (nhân viên thẩm định) 2 năm tù. Nguyễn Trung Dũng (nhân viên thẩm định) nhận mức án 23 tháng 8 ngày bằng thời hạn tạm giam.
Viện Kiểm sát đề nghị ông Tuấn 4 đến 5 năm tù
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án 4-5 năm tù với ông Nguyễn Quang Tuấn về tội vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là mức án thấp hơn so với khung hình phạt ông Tuấn bị truy tố từ 10-20 năm tù.
Những người cấp dưới của ông Tuấn tại Bệnh viện Tim Hà Nội bị đề nghị mức án: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó Giám đốc) từ 30-36 tháng tù; Nguyễn Thị Dung Hạnh (cựu kế toán trưởng) 24-30 tháng tù; Đoàn Trọng Bình (cựu Phó Phòng Vật tư) 30-36 tháng tù; Nguyễn Tuấn Linh (cựu Phó Phòng Vật tư) 36-42 tháng tù.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án thấp nhất 24 tháng tù treo, cao nhất 4 năm tù.
Đại diện cơ quan công tố tại tòa đánh giá vụ án "thổi giá" thiết bị vật tư y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội là một "điển hình trong móc ngoặc lợi ích nhóm".
Ông Nguyễn Quang Tuấn đã làm trái quy định, vi phạm đấu thầu, tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát ký gửi vật tư y tế để bệnh viện sử dụng trước.
Sau đó hợp thức, hoàn thiện các thủ tục đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu rút gọn và ký quyết định để hai công ty trúng gói đấu thầu rộng rãi năm 2016 cùng bốn gói chỉ định thầu năm 2017.
Giá vật tư, hóa chất đưa vào bệnh viện được thanh toán theo đơn giá thỏa thuận trước đó giữa ông Tuấn và doanh nghiệp, bản luận tội quy kết.
Ông Nguyễn Quang Tuấn cùng các bị cáo tại tòa - Ảnh: GIANG LONG
Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch của hai công ty này, cựu giám đốc bệnh viện Nguyễn Quang Tuấn và cấp dưới đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Ông Tuấn bị cáo buộc là người lãnh đạo cao nhất, có hiểu biết trong chuyên môn và công tác đấu thầu, giữ vai trò chủ mưu chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện sai phạm nhiều lần, thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài.
"Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại gần 54 tỉ đồng", bản luận tội quy kết.
Từ những lập luận trên, viện kiểm sát cho rằng cần hình phạt nghiêm khắc với ông Nguyễn Quang Tuấn.
Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án, ông Tuấn được đánh giá là thành khẩn, nộp số tiền hưởng lợi, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, đặc biệt tại phiên tòa thể hiện sự ăn năn...
Do đó Viện Kiểm sát đề nghị mức án thấp hơn khung truy tố đối với ông Tuấn "để có cơ hội sửa chữa lỗi lầm bản thân".
Quá trình thẩm vấn, không ít lần ông Nguyễn Quang Tuấn khẳng định "không vụ lợi, không được thỏa thuận ăn chia gì từ việc vật tư bị chênh giá".
Ông Tuấn thừa nhận chỉ định thầu là sai nhưng "không còn cách nào khác" vì "trong tình thế cấp bách, bệnh viện có nguy cơ đóng cửa do thiếu vật tư".
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, ông Tuấn gửi lời xin lỗi đến hai bệnh viện mình từng làm giám đốc, xin giảm án cho các thuộc cấp của mình và mong các bác sĩ đồng nghiệp coi vụ án "là bài học đau xót" để tránh sai sót.
Ông thừa nhận việc mượn vật tư của doanh nghiệp để dùng trước là sai quy định và khẳng định "tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm".
Ông nói "tôi không có bất cứ ngụy biện nào cho hành động của mình".
Ông chỉ mong được tòa xem xét, đánh giá nhân văn hơn nữa để ông có cơ hội trở về tiếp tục đóng góp cho công tác khám chữa bệnh, nhất là tim mạch, đóng góp cho nghiên cứu khoa học...
Theo Tuổi trẻ