Tín hiệu vui từ môn lịch sử

30/07/2022 15:06

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, cả nước có 1.179 thí sinh đạt điểm 10 môn lịch sử, tăng gấp 8 lần và phổ điểm tăng gấp 6 lần so với năm ngoái. Đây là sự chuyển biến tích cực trong việc dạy và học môn lịch sử.


Học sinh lớp 12 Trường THPT Phúc Thành (Kinh Môn) ôn luyện môn lịch sử vào ngày 6.5.2022

 Riêng Hải Dương có 28 thí sinh đạt điểm 10 môn này, trong khi năm 2021 chỉ có 2 em đạt điểm tối đa. 

Truyền cảm hứng

Cô Nguyễn Thị Thuý Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách cho biết để tạo chuyển biến đối với việc dạy và học môn lịch sử của trường, giáo viên bộ môn đã cải tiến phương pháp dạy. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trường có 1 thí sinh trượt tốt nghiệp vì môn lịch sử, do đó trường đã điều chỉnh và quan tâm môn này nhiều hơn. Trường chú trọng tuyên truyền để các em nhận thức đầy đủ về môn lịch sử. Quán triệt giáo viên dạy lịch sử tư duy tìm tòi, xây dựng chuyên đề cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu và lôi cuốn học sinh.

"Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, trường có 1 học sinh đạt điểm 10 môn lịch sử. Điểm trung bình môn này cũng tăng từ 5,4 năm 2021 lên 7,09 năm 2022. Trong tổng số 303 em dự thi môn lịch sử có 288 em đạt 5 điểm trở lên, trong đó có 83 em đạt 8 điểm trở lên, 20 em đạt 9 điểm trở lên...", cô Hà nói.

Còn cô Đặng Thu Hà, giáo viên môn lịch sử của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi cho rằng môn nào cũng vậy, giáo viên phải là người truyền cảm hứng. Khi học sinh yêu thích môn học, cảm thấy hứng thú thì lúc ấy mới truyền kiến thức. Phổ điểm môn lịch sử năm nay tăng cũng do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh đề thi. Trong cấu trúc đề, ma trận câu hỏi được điều chỉnh nhẹ nhàng hơn so với những năm trước. Số câu hỏi phần nhận biết, thông hiểu tăng lên, câu vận dụng và vận dụng cao không làm khó thí sinh.

Theo cô Thu Hà, mỗi giáo viên có phương pháp dạy khác nhau nhưng điều quan trọng nhất là dạy học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, hiểu được bản chất vấn đề để tư duy phân tích, lập luận chính xác. Tập trung vào giai đoạn ôn luyện nước rút, ôn luyện cuốn chiếu theo từng giai đoạn lịch sử. Bám sát đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng chuyên đề ôn luyện. "Có học sinh thi thử ở giai đoạn đầu ôn luyện chỉ khoảng 4-5 điểm nhưng đến giai đoạn gần cuối tăng lên 9,5 điểm", cô Thu Hà chia sẻ.

Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định môn lịch sử đạt kết quả cao là do đề thi nhẹ nhàng hơn. Điểm thi môn này nhiều năm trước kém nên năm nay các trường đã quan tâm hơn, giáo viên rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương pháp dạy học.

Học sinh yêu thích

Những năm qua, nhiều học sinh coi lịch sử là môn "bị học" chứ không phải "được học". Nhiều em chán, bỏ, sợ môn này.

Em Vũ Thị Huế, học sinh Trường THPT Nam Sách, thí sinh đạt điểm 10 môn lịch sử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cho rằng môn lịch sử có khối lượng kiến thức lớn với nhiều mốc thời gian, sự kiện diễn ra, nguyên nhân, bài học…, nên để học tập cần có phương pháp phù hợp. Theo Huế, thay vì học một cách máy móc, rập khuôn trong sách giáo khoa, cô giáo dạy môn lịch sử của em đã hướng học trò đến một cách học hiệu quả hơn là giảng bằng hệ thống sơ đồ tư duy. Mỗi bài học, cô giáo đều chia từng phần nhỏ, liên kết và xâu chuỗi lại, khiến các con số, con chữ như đang “sống”, giúp các bạn có cái nhìn toàn diện, sâu sắc. Với mỗi bài học, mỗi bạn được giao nhiệm vụ tự thống kê sơ đồ tư duy theo cách riêng của mình nên các bạn chủ động nắm bắt vấn đề hơn. Cô giáo còn sử dụng nhiều hình ảnh, ví dụ minh họa dễ hiểu về vấn đề, đặc biệt là dùng những thước phim tư liệu lịch sử sống động, chân thật, tạo hứng thú cho học sinh.

Chia sẻ bí quyết học tốt môn lịch sử, Huế cho rằng quan trọng nhất là các bạn phải yêu thích và hiểu về tầm quan trọng của môn lịch sử. Đây sẽ là định hướng vững chắc để các bạn kiên trì và đạt kết quả cao.

Còn em Phạm Văn Tài, 1 trong 2 học sinh của Trường THPT Gia Lộc đạt điểm 10 môn lịch sử cho rằng để học tốt môn này cần nắm bắt kiến thức trong sách giáo khoa, hệ thống và ghi chép lại theo ý hiểu của mình. Sau mỗi bài học, các bạn nên ôn luyện lại kiến thức bằng cách luyện đề, bài tập trên lớp, hoặc những website giáo dục uy tín. Thời gian ôn luyện chỉ cần làm từ 1-2 đề/ngày, còn lại phải dành thời gian hệ thống lại kiến thức đã học...

THẾ ANH

(0) Bình luận
Tín hiệu vui từ môn lịch sử