Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, ngày 27.2, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã liên hệ đặt mua cà rốt Hải Dương để chuẩn bị xuất khẩu đi Hàn Quốc.
Hai ngày nay, Công ty CP Nông sản xuất khẩu Tân Hương, trụ sở tại huyện Cẩm Giàng liên tiếp nhận được nhiều đơn đặt hàng mua cà rốt để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Thị trường cà rốt đang sôi động trở lại. Giá cà rốt có chiều hướng tăng lên khoảng 10% so với trước Tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhân lực của doanh nghiệp đang chỉ có khoảng 30% so với thời điểm bình thường nên chúng tôi chỉ thu mua cầm chừng, không dám nhận thêm đơn hàng của khách”. Hiện doanh nghiệp chỉ nhận sơ chế và đóng gói khoảng 700 tấn cà rốt để kịp giao cho khách vận chuyển xuất khẩu đi Hàn Quốc vào ngày 3.3.
Tương tự, những ngày qua, mặc dù có nhu cầu thu gom số lượng lớn nhưng Công ty CP Ameii Việt Nam cũng chỉ mới đặt mua được gần 220 tấn cà rốt của Cẩm Giàng. Dự kiến ngày 4.3, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu những tấn cà rốt đầu tiên của năm 2021 sang Hàn Quốc. Theo đại diện Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, so với thời điểm trước Tết, giá cà rốt tăng khoảng 10% và hiện nay doanh nghiệp cũng rất khó khăn trong việc đặt thêm hàng. Một trong những lý do được các xưởng sơ chế và đóng gói đưa ra là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cẩm Giàng đang cách ly nên nhiều công nhân các địa phương khác chưa trở lại các cơ sở này làm việc.
Mỗi năm, Công ty CP Nông sản xuất khẩu Tân Hương thu mua, sơ chế và xuất khẩu khoảng 7.000 tấn cà rốt, chủ yếu ở các xã Đức Chính và Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng. Trong số đó, 30% sản lượng xuất khẩu đi Hàn Quốc.
“Điều mong mỏi lớn nhất của chúng tôi hiện nay là khoảng 4 hoặc 5 ngày nữa, Hải Dương hết thời hạn cách ly xã hội, giao thương sẽ thuận lợi hơn và xuất khẩu cà rốt sẽ thuận lợi hơn”, ông Điển chia sẻ.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 26.2, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông báo số 335/BVTV-KD về việc kiểm dịch thực vật đối với cà rốt và một số nông sản xuất khẩu sang Hàn Quốc. Theo đó, ngày 25.2, Hàn Quốc đã có văn bản chính thức gửi Cục Bảo vệ thực vật thông báo gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với củ cà rốt và một số nông sản của Việt Nam xuất khẩu kể từ ngày 4.3, với điều kiện là Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra chặt chẽ để bảo đảm các lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc không bị nhiễm tuyến trùng Radopholus similis.
Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các Chi cục kiểm dịch thực vật thông báo và hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị tốt các lô hàng xuất khẩu đáp ứng quy định của Hàn Quốc. Kiểm tra chặt chẽ xuất xứ và tình trạng sinh vật gây hại đối với các lô hàng xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của Hàn Quốc.
Một tín hiệu vui khác cho việc xuất khẩu nông sản nói riêng và cà rốt nói chung là những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa ra cảng biển Hải Phòng đã được tháo gỡ khi UBND TP Hải Phòng vừa ban hành văn bản thông báo tạm dừng 8 chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố bằng đường bộ, kể từ 17 giờ ngày 26.2.
Cụ thể, đối với những chốt kiểm soát khác không kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa, tiếp tục duy trì kiểm soát phương tiện chở người, vận chuyển hành khách, phương tiện thô sơ chở hàng hóa, người đi bộ. Chủ phương tiện, chủ giao nhận hàng hóa giám sát việc phụ xe, lái xe thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương, hiện nay, tỉnh Hải Dương còn khoảng 30.000 tấn cà rốt chờ thu hoạch. Cùng với đó, cũng có khoảng 5.000 tấn cà rốt đã thu hoạch, đang được bảo quản trong kho lạnh chờ xuất khẩu.
Đến nay, cà rốt Hải Dương đã có mặt ở nhiều nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Trung Đông, Nga; trong đó, Hàn Quốc là một trong những thị trường lớn của cà rốt Hải Dương.
Theo TTXVN