Phát triển đa dạng sản phẩm từ bản sắc văn hóa là một trong những giải pháp được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận chú trọng thực hiện.
Giữ vững thương hiệu điểm đến
Bên cạnh thế mạnh du lịch biển, đảo đã được khẳng định, Bình Thuận còn có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, làng nghề, trải nghiệm ẩm thực… góp phần giữ vững và phát triển thương hiệu điểm đến ở Duyên hải Nam Trung Bộ.
Các điểm đến hình thành nên sản phẩm du lịch văn hóa, tìm hiểu di tích, di sản văn hóa phi vật thể có thể nhắc tới tại Bình Thuận như Trường Dục Thanh - nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) từng dừng chân dạy học, khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, tháp Chăm Pô Sah Inư, Vạn Thủy Tú, dinh Thầy Thím, chùa Cổ Thạch... Các lễ hội văn hóa đặc trưng mang tầm quốc gia như: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm, lễ hội Dinh Thầy Thím ở thị xã La Gi, lễ hội Nghinh Ông của cộng đồng người Hoa, thành phố Phan Thiết, lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú (Phan Thiết). Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có các làng nghề thủ công truyền thống như làm gốm Gọ, dệt thổ cẩm, đan lát, làm bánh tráng, sản xuất nước mắm. Đây còn là địa phương có nhiều món ăn đặc sắc gắn với đời sống người dân vùng biển, những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, đang ngày càng được nhiều du khách biết tới như lẩu thả, gỏi cá mai, chả cuốn cá trích, mực một nắng, bánh rế, các món ăn, nước uống được chế biến từ thanh long.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân: Du khách đến Bình Thuận không chỉ tham quan, nghỉ dưỡng, chơi thể thao, trải nghiệm các sản phẩm du lịch gắn với biển, đảo mà còn có cơ hội trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, ẩm thực được hình thành từ cuộc sống của cộng đồng 35 dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Nhờ phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, giữ vững thương hiệu điểm đến từ thế mạnh biển, đảo và các sản phẩm gắn với bản sắc văn hóa của vùng đất Duyên hải Nam Trung Bộ, lượng du khách đến Bình Thuận tăng trưởng ổn định, các chỉ tiêu về du lịch không ngừng tăng lên. Trong 9 tháng của năm 2023, lượng du khách đến Bình Thuận đã đạt gần 7 triệu lượt, tăng 75% so cùng kỳ năm 2022, đạt xấp xỉ 104% kế hoạch năm 2023. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 17.675 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm trước.
Trưởng Ban quản lý Di tích tháp Pô Sah Inư, ông Trần Đức Dũng cho biết: Nằm trên tuyến đường du lịch từ trung tâm thành phố biển Phan Thiết đi Khu Du lịch quốc gia Mũi Né, tháp Pô Sah Inư luôn là một điểm tham quan hấp dẫn và độc đáo. Tháp gồm một nhóm đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chămpa xưa, có phong cách kiến trúc Hòa Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa.
Tăng sức hấp dẫn cho điểm đến bằng các sản phẩm du lịch gắn với nét văn hóa đặc thù, tại khu vực di tích tháp Pô Sah Inư còn có các tiết mục múa Chăm, biểu diễn trống Ghinăng, kèn Saranai, trình diễn nghề dệt thổ cẩm, làm bánh gừng - một đặc sản ẩm thực gắn bó với đời sống cộng đồng người Chăm. Ngày 14/10 vừa qua, Lễ hội Katê năm 2023 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Bình Thuận đã diễn ra tại tháp Pô Sah Inư thu hút rất đông du khách và người dân địa phương tham gia, tạo thêm điểm nhấn cho du lịch Bình Thuận từ những nét văn hóa bản địa.
Gia tăng sự độc đáo cho sản phẩm du lịch, dịch vụ
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận thông tin: Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan và bản sắc văn hóa, thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, một trong những giải pháp được đẩy mạnh thực hiện là khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, làng nghề truyền thống. Đồng thời, phát triển các sản phẩm lưu niệm và ẩm thực đặc trưng của địa phương để tạo sự khác biệt, độc đáo cho du lịch Bình Thuận. Tỉnh đang thông qua Đề án đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, hệ thống hóa các loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự tương đồng và khác biệt về sản phẩm. Ngoài ra, Đề án còn là một định hướng, một hướng đi góp phần mời gọi đầu tư, tập trung ưu tiên đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa ngành du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tỉnh rà soát, đánh giá chất lượng dịch vụ tại các điểm tham quan; tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích văn hoá, lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với đầu tư hạ tầng cơ bản để trở thành các điểm du lịch. Các đơn vị chức năng của tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các làng nghề phục vụ du lịch, đồng thời khuyến kích phát triển ngành nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng mang đặc trưng riêng của tỉnh.
Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa cho hay: Tính độc đáo của các sản phẩm du lịch được hình thành từ yếu tố văn hóa bản địa như cuộc sống của ngư dân làng chài, các nghề sản xuất thủ công truyền thống, phong tục, nét văn hóa của đồng bào các dân tộc gắn với không gian biển xanh, cát trắng, nắng vàng là một trong những hướng xây dựng, phát triển sản phẩm mà nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện. Ví dụ, gia tăng giá trị, tạo thêm sức hút cho các tour du lịch tham quan làng chài ở Phan Thiết, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đang xây dựng Đề án, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức, sắp xếp lại các điểm dừng chân một cách hợp lý, trong đó gắn với tham quan ngôi nhà của bà Lục Thị Đậu - một trong những người có công lớn trong việc đưa “tên tuổi” của nước mắm Tĩn Phan Thiết vang xa trên thị trường, tìm hiểu nhiều hơn những ngư cụ gắn với nghề đánh bắt thủy sản, trải nghiệm đa dạng hơn cuộc sống người dân làng chài…
Chia sẻ về phát triển sản phẩm dịch vụ lưu trú, phục vụ du khách gắn với văn hóa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến Thành Mũi Né Resort (Mui Ne Bay Resort) Nguyễn Đức Tiến cho biết: Mui Ne Bay Resort có vị trí nhìn ra đảo Hòn Lao, gần đồi cát hồng, làng chài, chợ Mũi Né. Đây là ưu thế để nhiều du khách chọn đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Cùng với đó, khu nghỉ dưỡng thu hút du khách bởi kiến trúc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Chăm. Với chủ đề “Một thoáng hương Chăm” trong từng đường nét kiến trúc, các đồ vật, vật dụng được sử dụng để trang trí hay phục vụ du khách đều có chủ ý giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào Chăm ở Bình Thuận. Các sản phẩm gốm, đồ lưu niệm, đặc sản ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật mang đậm nét văn hóa Chăm đang tạo nét riêng cho khu nghỉ dưỡng, góp phần thu hút du khách đến Bình Thuận nghỉ dưỡng, trải nghiệm.
Theo báo Tin tức