Các nhà khoa học Pháp đã tìm thấy vi-rút lớn nhất thế giới có tên gọi Megavirus chilensis ở ngoài khơi bờ biển Chile.
Theo hãng tin BBC, vi-rút có tên gọi Megavirus chilensis này dài hơn từ 10 đến 20 lần so với một vi-rút bình thường. Nó cũng dài hơn 6,5% so với vi-rút được công nhận lớn nhất thế giới trước đó là Mimivirus, vốn được tìm thấy tại một tháp giảm nhiệt bằng nước ở Anh hồi năm 1992. Các nhà khoa học nói với chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences rằng Megavirus có thể lây nhiễm cho amip, sinh vật đơn bào trôi tự do trên biển.
|
Vi-rút này có đường kính 0,7 micromet (tức vài phần ngàn của 1 mm). “Nó lớn hơn một số vi khuẩn. Bạn không cần một kính hiển vi điện tử để quan sát nó. Bạn có thể thấy nó bằng kính hiển vi quang học bình thường”, BBC dẫn lời giáo sư Jean-Michel Claverie thuộc Đại học Aix-Marseille cho biết.
Vi-rút không thể sao chép chính mình mà cần xâm nhập vào một tế bào chủ. Cũng như Mimivirus, Megavirus có những cấu trúc giống lông, tức những sợi nhỏ, bên ngoài vỏ của nó, vốn có thể thu hút những amip dại dột đang đi tìm các vi khuẩn phô bày những đặc điểm tương tự. Quá trình nghiên cứu ADN của vi-rút mới cho thấy nó có đến 1.120 gien mang những chỉ thị hóa sinh mà nó sử dụng để tạo lập những hệ thống cần thiết cho việc sao chép chính mình bên trong tế bào chủ. Đáng chú ý là có 258 gien trong Megavirus không được tìm thấy ở Mimivirus.
Trong các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, giáo sư Claverie và các cộng sự làm nhiễm trùng những con amip nước ngọt. Megavirus đã tạo ra những vi cơ quan mạnh mẽ - những “tế bào bên trong tế bào” vốn sẽ sinh ra những vi-rút mới để lây nhiễm sang những amip khác. “Mọi thứ được khởi xướng từ một hạt đơn lẻ, và phát triển dần để trở thành xí nghiệp sản xuất vi-rút. Đó là lý do tại sao nó cần tất cả những gien này”, ông Claverie nhấn mạnh.
Megavirus chilensis được tìm thấy ngoài khơi bờ biển Las Cruces thuộc miền trung Chile trong khuôn khổ một cuộc thu thập dữ liệu sinh học. Phát hiện mới nhất cho thấy thế giới vi-rút vẫn ẩn chứa những bí ẩn đầy thú vị đối với giới khoa học.
Khang Huy (TN)