Các ý kiến tại hội thảo nêu rõ, chấn chỉnh tình trạng MCBGTKS là việc làm cần thiết và phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, có sự vào cuộc của các cấp, ngành.
Hội thảo "Tham vấn kết quả điều tra ban đầu về mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh Hải Dương"
Sáng 5-3, Ban Quản lý Dự án Phòng, chống bạo lực gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và chăm sóc người cao tuổi (gọi tắt là VNM 8P08) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo "Tham vấn kết quả điều tra ban đầu về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) tại tỉnh Hải Dương".
Từ tháng 11-2012 đến tháng 1-2013, UNFPA đã tiến hành khảo sát ban đầu về MCBGTKS tại tỉnh ta dưới hai hình thức định tính (phỏng vấn sâu 20 mẫu và thảo luận nhóm 6 cuộc) và định lượng (phỏng vấn bằng bảng hỏi đại diện 400 gia đình) tại huyện Thanh Miện và TP Hải Dương. Kết quả, Hải Dương là một trong những tỉnh có tỷ lệ MCBGTKS đứng đầu cả nước và tỷ lệ này có xu hướng tăng dần. Tỷ lệ bé trai trên 100 bé gái năm 2009 là 120,2, năm 2012 là 122. Phần lớn các gia đình được hỏi đều bày tỏ mong muốn có con trai. Người chồng thường là người ra quyết định trong việc sinh con.
Các ý kiến tại hội thảo nêu rõ, chấn chỉnh tình trạng MCBGTKS là việc làm cần thiết và phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, có sự vào cuộc của các cấp, ngành. Cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, các cuộc sinh hoạt cộng đồng ở cơ sở. Phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, nâng cao chất lượng các chế độ ưu đãi người cao tuổi. Tổ chức giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tác hại của việc mất cân bằng giới tính cho các đối tượng là thanh niên (lứa tuổi tiền hôn nhân). Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong công tác dân số, có chế tài xử phạt nặng các phòng khám tư nhân thông báo giới tính thai nhi...
Hội thảo sẽ lựa chọn các giải pháp, các biện pháp can thiệp phù hợp thí điểm tại tỉnh ta trước khi nhân rộng ra cả nước.
NGỌC HÙNG