Hừng đông” là cuốn tiểu thuyết tư liệu về nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu - một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta.
Vừa qua, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam, Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Liên Việt tổ chức buổi giới thiệu, ra mắt cuốn tiểu thuyết “Hừng đông” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Tiểu thuyết “Hừng đông” là cuốn tiểu thuyết thứ 2 trong sự nghiệp sáng tác của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ sau “Chuyện tình Khau Vai”. Đến nay, ông đã có 2 cuốn sách về lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, 8 kịch bản sân khấu, 2 tập thơ cùng nhiều cuốn sách nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật và báo chí xuất bản.
“Hừng đông” là cuốn tiểu thuyết tư liệu về nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu (5.5.1902 - 28.8.1941) - một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu quê ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là Tràng Thành), huyện Yên Thành (Nghệ An), trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học, yêu nước. Những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ. Từ một thanh niên trí thức, Phan Đăng Lưu được chế độ thực dân đào tạo thành kỹ sư canh nông và làm việc cho nhà nước thuộc địa nhưng ông sớm nhận ra cảnh cùng khổ của nhân dân ta dưới chế độ nửa phong kiến, nửa thuộc địa nên sớm tham gia các tổ chức yêu nước có xu hướng cộng sản như Hội Phục Việt, Hội Hưng Nam, Đảng Tân Việt, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từng được giao trọng trách là Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (từ năm 1936), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (tháng 3.1937), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1937), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1938-1940). Ông có công lớn trong phong trào Đông Dương Đại hội (cuối năm 1936), đưa người của Đảng vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, sử dụng linh hoạt cuộc đấu tranh “giành ghế” ở nghị trường, kết hợp tài tình diễn đàn đấu tranh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và văn học nghệ thuật. Đặc biệt, ông là người có công tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa tháng 11.1940 tại Hội nghị lần thứ 7. Tấm gương người cộng sản ưu tú Phan Đăng Lưu đã trở thành mạch nguồn sáng tạo của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.
Trong buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết, tác giả cho biết ông rất may mắn và tự hào được sinh ra, lớn lên ở Yên Thành - quê hương của người cộng sản trí thức Phan Đăng Lưu, từ nhỏ đã được ông bà, cha mẹ kể cho nghe nhiều câu chuyện về Phan Đăng Lưu và những người yêu nước thời kỳ đấu tranh cách mạng thập niên 20 đến thập niên 40 của thế kỷ XX. Những câu chuyện đó đã thôi thúc tác giả dày công thu thập, tra cứu tư liệu, đi điền dã, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, gặp gỡ người thân của Phan Đăng Lưu để xây dựng một hình tượng nghệ thuật đầy cảm xúc về người cộng sản ưu tú và các đồng chí của ông. Sau nhiều tháng ngày thu thập tài liệu, nhiều đêm trăn trở, suy tư, năm2015, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã cho ra đời kịch bản văn học mang tên “Hừng đông” viết về cuộc đời bi tráng của người cộng sản kiệt xuất Phan Đăng Lưu. Năm2016, kịch bản văn học “Hừng đông” ra mắt rất thành công với hai phiên bản nghệ thuật: Phiên bản sân khấu cải lương do Nhà hát Cải lương Việt Nam, đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên dàn dựng và phiên bản kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh do đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng cùng Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, tỉnh Nghệ An dàn dựng.
Từ thành công của vở diễn “Hừng đông” ở hai loại hình sân khấu cải lương và sân khấu dân ca Nghệ Tĩnh, tác giả Nguyễn Thế Kỷ tiếp tục tìm tòi, thử sức mình ở loại hình tiểu thuyết. Trong buổi ra mắt cuốn sách, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Tiểu thuyết "Hừng đông" viết về con người đã đi vào lịch sử, tên tuổi của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu mọi người đều biết, cuộc đời sự nghiệp gia cảnh như thế nào. Cái khó của người viết, một là những nhân vật, những sự kiện lịch sử không được hư cấu nhưng nhà văn có quyền đi vào nội tâm nhân vật. Điều này lịch sử không viết được nhưng văn học có quyền và một số nhân vật phụ thì có quyền hư cấu”. Trong buổi ra mắt, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, các nhà văn Nguyễn Hiếu, Nguyễn Văn Thọ đều có chung nhận định cuốn sách hấp dẫn ngay từ những trang viết đầu tiên: “Một nhân vật lịch sử như Phan Đăng Lưu mặc dù chúng ta có rất ít tài liệu về ông”. Về nghệ thuật tác phẩm, ngay trong buổi ra mắt, rất nhiều ý kiến của độc giả, các nhà văn, nhà phê bình đều nhận xét: Cách viết mới mẻ, không khiên cưỡng, tôn trọng những sự kiện lịch sử nhưng không thể thiếu tính bay bổng trong văn chương, tác giả thổi hồn vào nhân vật, để gây thêm cảm xúc cho người đọc. Bằng cách viết dung dị, không “đao to búa lớn” nên tác giả đã tái hiện thành công hồi ức của Phan Đăng Lưu trên đường đi đến pháp trường vẫn nhớ về quê hương yêu dấu với khói lam chiều và người vợ yêu thương tần tảo. Hay đoạn ông trở về quê nhà sau khi bị nhà nước bảo hộ sa thải: “Đây là sông Dinh, đây là núi Gám. Nắng chói chang trên những cánh đồng quen thuộc. Lúa đang thì con gái xanh mướt mát. Sông Dinh trong veo soi cả bầu trời trong xanh…”. Với thủ pháp nghệ thuật như vậy nên nhân vật Phan Đăng Lưu trở nên rất thân thuộc, gần gũi. Thông thường trong lịch sử văn học nước nhà, các nhà văn đều chuyển thể từ tiểu thuyết sang kịch bản sân khấu nhưng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ làm ngược lại là từ kịch bản sân khấu chuyển sang tiểu thuyết và ông cùng với các nhà văn như Chu Lai, Nguyễn Hiếu, Đỗ Bích Thúy đã chuyển thể thành công từ kịch bản sân khấu sang tiểu thuyết.
Là một nhà quản lý, một chính trị gia chuyên nghiệp, bằng tình yêu văn chương nghệ thuật và đam mê sáng tác “Viết như là một nhu cầu thôi thúc không cưỡng được” như có lần ông tâm sự với bè bạn nên có thể khẳng định tiểu thuyết “Hừng đông” là một đóng góp lớn của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vào kho tàng văn chương viết về các lãnh tụ của Đảng từ Hồ Chí Minh đến các học trò xuất sắc của Người trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc thời kỳ hiện đại. Đây cũng là một món quà ý nghĩa chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
NGUYỄN VIẾT HIỆN