Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương yêu cầu Thanh Hà cần coi trọng việc xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ vải quả, tăng giá bán.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương kiểm tra
điểm bán thịt lợn bình ổn giá tại chợ Kho Đỏ (TP Hải Dương)
Sáng 19.5, đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra việc tiêu thụ thịt lợn tại các chợ Con, Kho Đỏ (TP Hải Dương) và vùng trồng vải, rau an toàn ở Thanh Hà.
Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương yêu cầu các doanh nghiệp và tiểu thương bán thịt lợn tại các chợ trên cần chú ý bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi điểm bán thịt lợn bình ổn giá cần niêm yết giá, và nguồn gốc xuất xứ cụ thể, rõ ràng. Các phòng chức năng của thành phố tuyên truyền để người dân biết được các điểm bán thịt lợn bình ổn giá.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương kiểm tra vùng vải thiều của Thành Hà
Kiểm tra vùng trồng vải tại huyện Thanh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương yêu cầu các cơ quan chức năng của huyện Thanh Hà tăng cường hướng dẫn nông dân chăm sóc các trà vải. Huyện cần quan tâm bảo đảm an ninh trật tự, chỉ đạo các địa phương phân bố các điểm thu mua hợp lý. Ngoài bảo đảm sản xuất, huyện cần coi trọng việc xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá bán. Huyện có thể xem xét mở rộng diện tích vải sớm, hướng dẫn nông dân kéo dài thời gian thu hoạch vụ vải này.
Đối với trà vải thiều, các cơ quan chuyên môn của huyện cần tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bón phân hợp lý để bảo đảm năng suất cao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương đề nghị Công ty TNHH một thành viên
Rau củ quả an toàn Thanh Hà quy hoạch vùng sản xuất phù hợp
Thăm mô hình rau sạch của Công ty TNHH một thành viên Rau củ quả an toàn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương khẳng định đây là mô hình sản xuất mới, cần được các cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương quan tâm. Để hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp cần quy hoạch vùng sản xuất phù hợp. Huyện Thanh xem xét hỗ trợ kinh phí giúp doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ vùng sản xuất theo đề án tích tụ ruộng đất.
Thời gian tới, doanh nghiệp cần tiếp tục lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương, hướng dẫn nông dân chăm sóc đúng quy trình để cung cấp cho người tiêu dùng nông sản an toàn. Chính quyền địa phương cần giúp doanh nghiệp kết nối với nông dân để xây dựng mối liên kết bền chặt. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh gợi ý doanh nghiệp có thể nghiên cứu mô hình sản xuất nhà màng đơn giản để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, không nhất thiết phải đầu tư mô hình nhà kính quy mô lớn vừa tốn kém lại không phù hợp với điều kiện thời tiết của Hải Dương.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, một số xã của huyện đang thu hoạch trà vải sớm, chủ yếu là vải u trứng. Giá bán tại vườn ngày 19.5 dao động từ 30.000- 40.000 đồng/kg. Năm nay, huyện Thanh Hà có 1.300 ha vải sớm, sản lượng ước đạt gần 20.000 tấn.
HẢI MINH