Con cứ nghĩ các cụ rủ nhau đi du lịch bình thường thôi. Chứ đi vì tình nghĩa đồng đội thì phải cố mà đi bác ạ.
Đang ngồi xem ti vi thì ông Hải thấy anh Luyện, con trai cả của chú em út chạy sang. Chưa kịp bước vào nhà, nó đã bô bô ngay trước cửa: “Bác sang xem bố cháu thế nào mà cứ nằng nặc đòi đi bác ạ”. “Đi đâu? Bố cháu đòi đi đâu?”. “Đi Vị Xuyên bác ơi! Chân cẳng, tuổi tác thế, hơn sáu mươi rồi, sức khỏe bố cháu yếu thế đi thế nào được cơ chứ? Bác khuyên bố cháu ở nhà. Bố cháu mà đi thì anh em cháu không yên tâm đâu ạ!”.
“Đi Vị Xuyên? Lên trên đó làm gì?”, Ông Hải ngạc nhiên hỏi. “Ơ! Thế bác không biết gì à? Trung đoàn bố cháu tổ chức gặp mặt đồng đội và viếng nghĩa trang liệt sĩ ở Vị Xuyên đó bác”. “Thế hả? Bác có thấy bố cháu nói gì đâu?”. Hải tiếp tục nói: “Cả chục ngày nay rồi bác ơi! Từ khi nhận được điện thoại của các bác cùng đơn vị, đêm nào bố cháu cũng lọ mọ giở bộ quần áo bộ đội ngày xưa ra rồi cứ bần thần. Cháu cứ tưởng bố cháu nói với bác rồi chứ?”. “Không. Bác không thấy bố cháu nói gì cả”, ông Hải thở dài nói.
Là anh cả trong nhà, thương binh bị cụt tay thời chống Mỹ, ông Hải gánh trọng trách của cả dòng họ. Bố mẹ ông được năm anh em cả thảy, ba trai, hai gái đều đã trên sáu mươi tuổi. Chú Huấn là con út (bố thằng Luyện) thì cũng đã sáu tư. Ba trai thì hai là bộ đội chống Mỹ (ông và chú Hà), một là bộ đội trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Ba anh em ông thì chỉ có ông và chú Huấn trở về nhưng cả hai đều là thương binh. Ông thì bỏ lại cánh tay phải ở Trường Sơn còn chú Huấn để lại chân trái ở Vị Xuyên. Như thế là vẫn còn may hơn chú Hà và nhiều đồng đội khác. Họ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, nhiều người còn không tìm thấy xác. Như chú Hà em ông đấy, hy sinh ngay cửa ngõ Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Mãi đến năm 1980 ông với chú Huấn mới tìm thấy mộ. Sau đó thì Huấn tiếp bước hai anh lên đường nhập ngũ, hành quân lên biên giới.
Thấm thoắt thoi đưa, năm nay ông Hải đã vào tuổi tám mươi. Vết thương cũ, nhất là bên cánh tay bị cắt cụt ngày càng nhức nhối. Chẳng đợi trái gió trở trời, cứ “hứng” lên là vết thương lại làm tội ông. Cả chú Huấn cũng vậy. Trước còn lắp chân giả để đi, gần đây toàn chống gậy. Chú ấy cần cù, chịu khó, hay lam hay làm. Chân cẳng cà nhắc vậy mà vẫn giúp vợ con lo toan việc nhà và cả việc đồng áng nữa. Hồi mới về, chú ấy còn đi cày được, tất nhiên là chỉ ruộng cạn, bãi soi thôi. Vợ dại, con thơ, chẳng làm thì ai làm cho. Nhìn chú ấy cầm cày, tấp tểnh chân thấp, chân cao theo trâu để lại những vết tròn chân giả trên ruộng, ngoài bãi, ông thương lắm.
Huấn còn tự đóng gạch xỉ xây nhà, nuôi bò, nuôi lợn. Đàn bò nhà chú ấy đông nhất xóm. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng Huấn vẫn tập tễnh theo đàn bò. Khuyên chú ấy bớt việc đi thì Huấn chỉ cười: “Em cố vài năm nữa các cháu lớn thì bỏ dần bác ạ!”. Vậy mà, chú ấy có bỏ đâu? Tham công tiếc việc lắm. Nhờ đó mà kinh tế gia đình chú ấy mỗi ngày một vững, thành gương điển hình xóa đói, giảm nghèo của xã, rồi trở thành “thương binh kiểu mẫu” của huyện. Ông tự hào về chú em của mình lắm!
Mấy năm gần đây, cũng như ông, chú ấy đã có cháu nội, cháu ngoại nhưng vết thương cũ cũng bắt đầu hành hạ. Có thấy mấy khi chú ấy lắp chân giả để đi nữa đâu? Dạo này, chỉ thấy chống tó đi lại. “Em đi bằng cái này cho nhanh”, Huấn cười gõ cái tó nói với ông vậy. Thế nhưng đấy chỉ là đi gần chứ còn đi xa thì… lại lên tận Vị Xuyên nữa? Sức còn như xưa đâu mà đi? Anh em thằng Luyện gàn là đúng. Phải khuyên chú ấy lượng sức mình mà ở nhà thôi. Đi lỡ xảy ra chuyện gì thì biết làm sao?
Từ hôm nhận được điện thoại của ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên thông báo gặp mặt kỷ niệm ngày truyền thống, đến giờ ông Huấn cứ có cảm giác lâng lâng. Thêm mấy cuộc gọi của các lão cùng tiểu đoàn ngày trước ông càng bồn chồn hơn. “Đi nhé! Lần này làm to lắm, đông vui, yếu cũng cố mà đi”. “Mày phải đi nhé. Tao nhớ mày lắm. Xem mày già đến đâu rồi? Mấy chục năm rồi còn gì?”. “Bọn tao hẹn nhau đi đủ cả đấy. Đi để gặp nhau xem còn nhận ra nhau nữa không? Già hết cả rồi. Đi để viếng thằng Sơn toác, thằng Lý RPD, thằng Tuyên lỳ, thằng Lung cối, rồi anh Cường đại đội trưởng, ân nhân của mày nữa chứ. Quy tập hết về nghĩa trang Vị Xuyên rồi mày ạ!”. “Không được vắng mặt đâu đấy!”. “Bọn tao cho xe vào tận nhà đón mày đi”… Thế đấy, lên ông, lên bà cả rồi mà vẫn cứ mày tao y như hồi còn trong quân ngũ.
Đi chứ, không đi sao được. Vui thế cơ mà, ý nghĩa thế cơ mà. Nhớ chúng nó, nhớ đơn vị, nhớ những ngày quần nhau trên cao điểm 1509, rồi 772 nữa. Núi đá như thế mà chúng nó nã pháo cấp tập. “Cối xay thịt”, “lò vôi thế kỷ”, “ngã ba cửa tử” cơ mà. Đơn vị của Huấn oằn lưng hứng chịu. Đói, khát, thiếu đủ thứ, mất liên lạc, chậm tiếp tế, lính ta mệt rã rời. Quân địch đông như kiến cỏ, với chiến thuật “đầu nhọn đuôi dài”, hết đợt pháo, chúng lại ào ào lên chiếm chốt. Quân ta trên cao bám chốt nhả đạn. Hạ sĩ Sơn, binh nhất Lý cùng mấy đồng đội của Huấn nữa, dẫu bị thương cũng quyết không rời vị trí. Căm thù giặc dồn lên đầu súng. Đại đội trưởng Cường xông xáo chỉ huy. Anh len lỏi dưới các vách đá, giao thông hào, chạy hết chỗ nọ, chỗ kia động viên anh em bám trụ chiến đấu. “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử, kiên quyết tiêu diệt quân bành trướng các em nhé”. Lời anh nói còn vọng mãi trong Huấn đến tận bây giờ. Chính anh Cường đã lấy thân che cho Huấn, nhận cái chết thay cho Huấn khi một quả lựu đạn của địch bay tới. Lúc đó, Huấn đang mải nheo mắt ngắm toán địch đang thập thò sau tảng đá lưng núi thì bất ngờ thấy mình bị ngã vật ra và ai đó đè lên. Sau đó là tiếng nổ inh tai nhức óc. Huấn không còn biết gì nữa. Mãi khi được đưa về tuyến sau Huấn mới biết đại đội trưởng Cường đã hy sinh cứu mình. Nếu không có anh ấy thì Huấn đã mất xác rồi chứ đừng nói đến việc bị cưa chân nữa. Suốt đời Huấn khắc cốt ghi xương ơn cứu mạng của anh Cường. Nhất định lần này Huấn phải lên Vị Xuyên, trở lại chiến trường xưa để thắp nén nhang thơm viếng anh ấy và các đồng đội đã ngã xuống. Đại đội trưởng Cường ơi! Em và các đồng đội còn sống trở về sẽ lên thăm anh đấy. Đại đội mình, tiểu đoàn mình sẽ gặp nhau anh nhé!
“Chú nghĩ gì mà ngồi thần ra thế?”. Ông Huấn giật mình sau câu hỏi thay cho lời chào của ông Hải anh trai mình. “Dạ! Bác mới sang chơi. Em đang nhớ cái ngày đánh nhau ở Vị Xuyên bác ạ. Chả là đơn vị em đang rủ nhau lên đó kỷ niệm ngày truyền thống trung đoàn và viếng nghĩa trang liệt sĩ bác ạ”. Ông Huấn hồ hởi nói. “Biết rồi. Cháu Luyện cũng vừa nói với tôi xong nhưng mà chú cân nhắc kỹ xem? Sức khỏe chú như thế, vết thương như thế liệu có đi được không?”, ông Hải nói.
Biết ngay là con trai mình đã nói gì đó với ông Hải, ông Huấn cười đáp: “Em đi được bác ơi! Đi chơi với đồng đội chứ có phải đi làm đâu mà lo. Lại thằng Luyện nói gì với bác phải không?”. “Đúng là cháu nó vừa sang tôi báo tin chú sắp đi viếng nghĩa trang liệt sĩ ở Vị Xuyên cùng đồng đội thật. Cháu nó lo chú không đủ sức khỏe tham gia chuyến đi. Nó bảo tôi khuyên chú nên ở nhà. Thực tình, tôi thấy cháu nó nói cũng đúng đấy chú ạ. Chú nghĩ kỹ lại xem”, ông Hải bộc bạch. Vừa nói, ông vừa nhìn ông Huấn thăm dò.
Ông Huấn buông tiếng thở dài, ngồi thừ ra, nhìn xa xăm. Đoạn ông hạ giọng như thủ thỉ về tâm nguyện của mình cho ông Hải nghe. Ông kể lại những kỷ niệm thời quân ngũ, nhất là những tháng năm ác liệt trên chiến trường biên giới phía Bắc. Đặc biệt trận đánh chiếm lại cao điểm 772 ngày 12/7/1984 mà đại đội trưởng Cường đã lấy thân mình che chở cho ông tránh được cái chết từ quả lựu đạn mà địch ném tới. Sau một ngày, một đêm giao tranh ác liệt anh ấy cùng hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã anh dũng hy sinh. Ngày đó trở thành ngày giỗ trận Vị Xuyên của sư đoàn. Ông còn sống trở về được là nhờ có anh ấy.
“Đấy, bác bảo thiêng liêng như thế, sâu tình, nặng nghĩa như thế, em không đi sao được? Em phải lên đó thắp hương cho anh Cường và các đồng đội, để gặp lại anh em đơn vị cũ hàn huyên tâm sự chứ bác. Càng ngày sức khỏe em càng yếu không tranh thủ đi lúc này biết sau còn đi được nữa hay không? Bác ngày trước cũng vậy thôi. Năm nào bác chả đi gặp đồng đội, lặn lội vào Nam thăm viếng bác Hà? Vào Nam xa gấp mấy lần lên phía Bắc bác còn đi được nữa là. Bây giờ, bác có muốn cũng chả đi được. Thế nên, bác cứ để em đi chuyến này. Em lựa được sức mình”.
Ông Huấn nài nỉ. Công nhận chú ấy nói đúng. Ngày trước, bằng tuổi của chú ấy bây giờ, ông cũng hăng hái lắm. Đúng là tiếng gọi đồng đội thiêng liêng thật. Giờ thì chịu nhưng mà ông cụt tay, đi lại còn được chứ chú ấy cụt chân thế kia thì… Dù sao vẫn lo. Giá còn khỏe, ông sẽ đưa chú ấy cùng lên Vị Xuyên. Đồng đội của chú ấy cũng là đồng đội của ông.
“Nếu bố quyết đi, con sẽ đưa bố đi”. Tiếng anh Luyện cất lên. Cả hai anh em ông Hải cùng quay ra nhìn Luyện. “Anh về từ bao giờ thế?”, ông Hải hỏi. “Con về được một lúc rồi. Con đứng ngoài hiên nghe hết câu chuyện của bố con kể cho bác nghe rồi. Tại hôm trước bố con có kể cho nghe về bác Cường, về trận đánh ác liệt đó đâu. Con cứ nghĩ các cụ rủ nhau đi du lịch bình thường thôi. Chứ đi vì tình nghĩa đồng đội thì nên đi bác ạ. Mấy năm nữa, bố cháu yếu có muốn đi cũng chịu. Cháu sẽ đi cùng bố”.
“Tốt! Ý kiến hay đấy! Thế mà bác không nghĩ ra”. Ông Hải reo lên. Gương mặt ông Huấn dãn ra. Nhìn con trai, ông xúc động nói: “Anh đi cùng tôi? Thế còn công việc ở nhà? Mẹ anh thì đi trông cháu ở xa. Vợ anh thì đồng ruộng. Còn lũ trẻ bỏ cho ai?”. “Ơ! Thế bố quên đang nghỉ hè à? Con đưa bố đi vài hôm chứ có phải lâu đâu mà lo?”. “Luyện nó nói đúng đấy. Cứ để nó hộ tống chú đi. Lên xe, xuống xe, vào nghĩa trang, leo bậc lên chốt… nó còn dìu chú chứ. Đồng đội của chú cũng già hết rồi, giúp sao được?", ông Hải động viên.
Ông Hải phân tích một hồi, Luyện cũng nói thêm vào, cuối cùng ông Huấn đồng ý. Trong đầu ông hiện lên cảnh gặp lại đồng đội cũ, mọi người ôm nhau, hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện, rồi tập hợp đội ngũ chỉnh tề trong ngày giỗ trận, trang trọng tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Sau đó, trong tiếng nhạc “Chiêu hồn tử sĩ” trầm hùng, ông cùng con trai ông và các đồng đội đến thăm những ngôi mộ, cắm hoa, thắp hương cho đồng đội. Và đại đội trưởng Cường ơi! Lần này tôi lên có cả con trai đi cùng đấy! Tôi cho đi để cháu biết được ân nhân đã cứu sống bố cháu, để cháu nó có dịp tri ân anh và các đồng đội của chúng ta đã ngã xuống, giữ bình yên cho Tổ quốc.
Chỉ nghĩ đến đó thôi, hai mắt của ông Huấn đã đỏ hoe. Nhìn sâu vào mắt em trai, ông Hải hỏi: “Kìa! Sao chú lại khóc?”. “Không. Em vui quá bác à?”. “Thôi, thế là mừng rồi. Ngày kia xe đón phải không? Lên đó thắp giúp tôi nén hương cho chú Cường và các liệt sĩ nhé”. Ông Hải vỗ vai em trai và dặn Luyện thêm mấy việc nữa. Trong đầu ông vọng về tiếng gọi đồng đội da diết, yêu thương. Đúng là tháng bảy tri ân sâu nặng nghĩa tình…
Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU