Góc nhìn

Tiếng Anh không chỉ là "cần câu cơm"

MINH THÁI 29/09/2024 06:00

Việc biết sử dụng tiếng Anh không chỉ để ta có chiếc "cần câu cơm" tốt hơn, mà còn giúp chúng ta tiến một bước dài để tự tin hội nhập, trở thành công dân toàn cầu.

00:00

bhd_tienganh_1-b0ffec9a1112ed199ae714d3b1fe5a27.jpg
Có tiếng Anh, giúp các bạn trẻ Việt Nam tự tin giao tiếp với người nước ngoài

Mới đây, tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp, dư luận chú ý đến đề xuất của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup rằng: Chính phủ cần tăng đào tạo, phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu. Ông Vượng cũng nói thêm rằng Vingroup sẵn sàng tài trợ cho giáo viên lên vùng sâu, vùng xa để đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu, vùng xa đến thành thị, như thế sẽ tạo "cần câu cơm" tốt hơn cho giới trẻ.

Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự đồng tình và việc này cũng làm tôi nhớ đến bài học nhớ đời mà mình đã gặp. Gần hai chục năm trước, khi còn là sinh viên, chân ướt chân ráo từ tỉnh lẻ lên Thủ đô học, trong một buổi tham quan chùa Trấn Quốc, tôi gặp một vị khách nước ngoài. Anh ta đến nói với tôi một tràng tiếng Anh ý muốn tôi giới thiệu một chút về di tích. Với vốn tiếng Anh ít ỏi, tôi chỉ hiểu một câu trong mớ tiếng Anh mà bạn nói rằng: Bạn có nói được tiếng Anh không? Lúc ấy, tôi trả lời: "Tôi không thể nói được tiếng Anh". Ngay lập tức tôi cảm nhận rằng du khách đó rất thất vọng, có lẽ anh ta đang nghĩ: Sao đến giờ mà còn có người chưa nói được tiếng Anh?! Về phần mình, khỏi phải nói, tôi đã xấu hổ thế nào!

Vậy nên khi biết đề xuất của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tôi thấy quá đúng. Tôi cũng muốn chia sẻ cùng các bạn trẻ hôm nay, khi các bạn đang có cơ hội, thì trang bị tiếng Anh không chỉ vì để chúng ta có "chiếc cần câu cơm" tốt hơn, mà là cách để chúng ta hội nhập, phát triển bản thân, là cách đóng góp công sức vào công cuộc phát triển đất nước.

Hãy nhìn thành tựu từ Singapore, không sai khi nói "Gia tài lớn nhất mà cố Thủ tướng Lý Quang Diệu để lại cho Singapore chính là tiếng Anh". Từ năm 1959 khi bắt đầu nhậm chức Thủ tướng, ông đã chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính của Singapore đồng thời không ngừng thúc đẩy việc học tiếng Anh của quốc gia này. Để giúp công dân học tiếng Anh tốt hơn, ông đã đưa ra các chính sách quan trọng như bắt buộc giảng dạy tiếng Anh trong tất cả các trường học và chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức trong hệ thống giáo dục. Ông cũng thiết lập các chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh chất lượng, đồng thời khuyến khích sử dụng tiếng Anh trong công việc và giao tiếp hằng ngày... Chính quyết sách này đã là một trong những yếu tố giúp Singapore từ một làng chài nhỏ bé nhanh chóng vươn mình trở thành "con rồng châu Á" và ngày càng củng cố vị thế như hiện nay.

Tại Việt Nam, Bộ Chính trị cũng vừa có đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Việc này nhằm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Bộ Chính trị cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Trên thực tế ở Việt Nam nói chung, hay Hải Dương nói riêng, nhiều năm qua, tiếng Anh là môn học đã được đưa vào hệ thống giáo dục từ tiểu học đến trung học, đại học, thậm chí là trong các trường mầm non. Câu chuyện dạy học và phổ cập tiếng Anh cũng không phải bây giờ mới được định hướng song đến nay việc đào tạo ngoại ngữ mới chỉ dừng ở hình thức dạy và học chứ không phải ở khía cạnh tiếp nhận ngôn ngữ. Việc để các em ham học và yêu thích ngôn ngữ này vẫn là một câu chuyện dài.

Khẳng định việc định hướng từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong hệ thống giáo dục là bước đi đúng đắn song đây cũng sẽ là một thách thức không nhỏ với ngành giáo dục. Để thực hiện được, đòi hỏi quyết tâm không chỉ từ ngành giáo dục, mà phải của cả hệ thống chính trị đến sự nỗ lực của từng công dân. Tôi mong lộ trình này sớm có thành quả, khi ấy thế hệ trẻ của Việt Nam có thể tự tin vững bước tiến vào "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" và không còn ai phải xấu hổ khi không biết tiếng Anh như tôi.

MINH THÁI
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng Anh không chỉ là "cần câu cơm"