Ở Đại hội Đảng XII, 5 người được giới thiệu là “trường hợp đặc biệt”. Bốn người trúng cử gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Đỗ Bá Tỵ, Uông Chu Lưu, Bùi Văn Nam.
Trong những bài viết về chuẩn bị Đại hội Đảng XIII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh phải chuẩn bị tốt công tác nhân sự, nhất là nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân sự các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa XII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhắc đến cơ cấu 3 độ tuổi trong Ban Chấp hành Trung ương và "trường hợp đặc biệt" trong Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.
Chia sẻ với phóng vi ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) nói rõ hơn về những nội dung này.
- Để nói về công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vừa qua đã có nhiều bài viết quan trọng. Thông điệp và tư tưởng chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, Nhà nước qua các bài viết này là gì, thưa ông?
- Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh hai vấn đề quan trọng nhất trong đại hội là văn kiện và nhân sự.
Từ khi bắt đầu chuẩn bị Đại hội các cấp đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có ba bài viết rất quan trọng. Ngay sau khi Bộ Chính trị có Chỉ thị 35 ngày 30/5/2019, chỉ sau 6 ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Bài viết thứ hai Tổng Bí thư đưa ra những chỉ đạo rất quan trọng về nhân sự, đó là “Một số điểm cần đặc biệt chú ý trong quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”. Và gần đây nhất là bài viết “Chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới”.
Tất cả bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đều thể hiện những nội dung rất quan trọng, cơ bản, là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của cả Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước giải thích rõ: “Nói đến công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng tức là chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026”.
Với Đại hội Đảng XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần nhấn mạnh phải thật sự coi trọng về chất lượng. Phải làm sao xây dựng một Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước hết là một tập thể đoàn kết, thống nhất, vì Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ đại hội, nếu không đoàn kết, có sự rạn nứt thì rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, đây cũng phải là tập thể có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiêu biểu cho toàn Đảng về trí tuệ, như vậy mới đủ sức đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Công tác nhân sự được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước quán triệt phải tiến hành từng bước, từng việc một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Tổng Bí thư còn giải thích thế nào là những người không xứng đáng. Đó là những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, chạy chức - chạy quyền, dính vào tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước những người dính vào tham nhũng, cơ hội như vậy mà đưa vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng thì chính là tạo điều kiện cho họ hại nước, hại dân nhiều hơn.
Tư tưởng nhấn mạnh về chất lượng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lần này rất kiên quyết. Trong các bài viết của Tổng Bí thư và tinh thần đã được Trung ương thống nhất rất cao, là đặc biệt chú trọng chất lượng nhưng phải đảm bảo số lượng, cơ cấu hợp lý, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực.
- Cơ cấu 3 độ tuổi vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới được Tổng Bí thư đề cập gồm: Dưới 50 tuổi; 50-60 tuổi và 61 tuổi trở lên. Theo ông, vì sao cần đặt ra cơ cấu này?
- Trong Ban Chấp hành Trung ương, Trung ương xác định có một số dưới 50 tuổi (10-15%), số ít trên 60 tuổi (10%), còn số đông là 50-60 tuổi (75-80%). Đây chính là lực lượng “sung sức” nhất. Có thể nói đối với các chính khách, lãnh đạo cấp cao, 50-60 tuổi chính là “thời gian vàng” - khi họ tích lũy đủ kinh nghiệm, từng trải, chín chắn.
Trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng có cơ cấu 3 độ tuổi. Một số dưới 60 tuổi, chiếm số đông là 60 đến 65 tuổi. Còn trường hợp đặc biệt là trên 65 tuổi, số này chiếm rất ít.
Như vậy, cơ cấu 3 độ tuổi ở Bộ Chính trị, Ban Bí thư cao hơn Ban Chấp hành Trung ương. Hơn nữa, số trường hợp đặc biệt trong Bộ Chính trị là rất ít.
Cơ cấu độ tuổi được Trung ương đặt ra và thống nhất rất cao, nhằm bảo đảm sự kế thừa, phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ. Việc có nhiều lớp cán bộ chênh nhau khoảng 5 tuổi sẽ đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng, nhất là với cán bộ cấp cao.
Cũng vì vậy mà Trung ương thống nhất ủy viên Trung ương dự khuyết phải từ 45 tuổi trở xuống (trước đây thực tế vẫn có người hơn 45 tuổi). Việc này chính là để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cho lâu dài. Mà đã là tạo nguồn thì cán bộ phải trẻ.
Việc cơ cấu 3 độ tuổi còn nhằm để cán bộ có điều kiện bổ sung cho nhau trong một tập thể. Ví dụ, trong tập thể lãnh đạo có người cao tuổi, có người vừa tuổi, có người ít tuổi. Mỗi lớp đều có thế mạnh riêng.
Người trẻ có sức bật và năng động hơn, có sức khỏe tốt hơn, hăng hái hơn. Nhưng số cao tuổi lại từng trải, va đập và có nhiều kinh nghiệm. Những cán bộ này cần bổ sung cho nhau, kế thừa, học hỏi nhau để tạo thành một tập thể thực sự mạnh.
- Nhiều người kỳ vọng cơ cấu 3 độ tuổi sẽ giúp tránh tình trạng “chuối chín cả nải”, khi nhiều lãnh đạo chủ chốt cùng đến tuổi nghỉ tạo ra khoảng trống lớn. Ông nghĩ sao về thực tế này ở những khóa trước?
- Thực tế nhiều nhiệm kỳ ở cả Trung ương và địa phương xuất hiện tình trạng như vậy - các lãnh đạo sàn sàn tuổi nhau, hết tuổi là đồng loạt về hưu. Như vậy rất nguy hiểm, rất hụt hẫng, khiến việc chuyển giao thế hệ khó khăn. Tình trạng này biểu hiện rõ nhất ở địa phương.
Có những địa phương cả Thường trực Tỉnh ủy, gồm bí thư, phó bí thư, đều bằng tuổi nhau hoặc hơn nhau 1 tuổi, đến khi hết tuổi là cùng nghỉ hưu. Hay trong Ban Thường vụ có 13-15 người thì 10-12 người cùng nghỉ.
Chính vì vậy, lần này Trung ương yêu cầu đảm bảo nhiều cơ cấu, trong đó có cơ cấu về độ tuổi.
Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cũng chính là một trong ba vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đặt ra.
Việc này trước đó đã được thực hiện ở các cấp dưới (xã, huyện, tỉnh, bộ, ngành) nhưng cấp quan trọng nhất là cấp chiến lược thì ta chưa bao giờ đặt ra vấn đề quy hoạch. Bắt đầu từ nhiệm kỳ khóa XI chúng ta mới chính thức lần đầu tiên quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, nhiệm kỳ khóa XII tiếp tục công việc này.
- Ngoài cơ cấu độ tuổi, Tổng Bí thư đề cập đến “trường hợp đặc biệt”. Theo ông, vì sao cần có và hiểu thế nào là “trường hợp đặc biệt”?
- Xuất phát từ quan điểm, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn là phải kết hợp hài hòa giữa tính phổ biến và đặc thù, giữa cái chung và cái riêng, nên Trung ương thấy cần thiết phải có “trường hợp đặc biệt”.
- Vậy thế nào là “trường hợp đặc biệt”?
- Đặc biệt tức là rất ít và rất cần thiết.
Những người nằm trong diện này là người đã vượt quá quy định chung của Trung ương về tuổi, nhưng lại rất cần thiết cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị hay Ban Bí thư. Nếu không cơ cấu vào sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung của đất nước và dân tộc, ảnh hưởng đến sức mạnh của tập thể. Trong trường hợp đó Trung ương xác định cần có “trường hợp đặc biệt”.
“Trường hợp đặc biệt” chính thức được xem xét, quyết định từ khóa XI - khi chuẩn bị nhân sự cho khóa XII.
- Tiền lệ “trường hợp đặc biệt” ở những khóa đó được xem xét, quyết định như thế nào, thưa ông?
- “Trường hợp đặc biệt” của Bộ Chính trị khóa XII chính là Tổng Bí thư khóa XI Nguyễn Phú Trọng - người được Trung ương tín nhiệm, thống nhất rất cao đề nghị là “trường hợp đặc biệt”, để tiếp tục tham gia Trung ương khóa XII và giữ chức Tổng Bí thư khóa XII.
Ngoài ra, Trung ương cũng xem xét một số “trường hợp đặc biệt” là ủy viên Trung ương trên 60 tuổi (quy định chung là ủy viên Trung ương tái cử không quá 60 tuổi), nhưng Trung ương thấy cần thiết, nếu ở lại tham gia Trung ương khóa XII thì tốt hơn.
Vì thế, Trung ương quyết 4 “trường hợp đặc biệt” là ủy viên Trung ương, giới thiệu và đề nghị Đại hội bầu. Sau đó, có 3/4 người được giới thiệu trúng cử.
Như vậy, “trường hợp đặc biệt” ở Đại hội XII do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đề cử gồm danh sách 5 người. “Trường hợp đặc biệt” của Bộ Chính trị là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tại Đại hội XII là 71 tuổi) - đã được Đại hội bầu với tín nhiệm cao.
4 “trường hợp đặc biệt” là ủy viên Trung ương gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (đều bước sang tuổi 61).
Sau khi Đại hội bầu, có 3 người trúng cử là các ông Đỗ Bá Tỵ, Uông Chu Lưu và Bùi Văn Nam. Chỉ có ông Huỳnh Phong Tranh không trúng cử. Nhưng người duy nhất không trúng cũng đã vượt 50% số phiếu bầu.
Thực tế đó cho thấy các trường hợp Trung ương giới thiệu là đặc biệt, đề nghị với Đại hội đều cơ bản được chấp nhận, thể hiện quyết định của Trung ương là đúng đắn, sáng suốt.
Lần này, để chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, Trung ương cũng đặt ra “trường hợp đặc biệt” và xác định quy trình thực hiện rất rõ ràng.
- Vậy với nhân sự là “trường hợp đặc biệt” của Trung ương khóa XIII sẽ được xem xét, quyết định theo quy trình nào, thưa ông?
- Quy trình lần này có những điểm mới so với khóa XII.
Quy trình chuẩn bị nhân sự Trung ương ở Đại hội XII thực hiện theo 3 bước thì nay thực hiện 5 bước. Bản chất sự khác nhau giữa 3 bước và 5 bước chính là mở rộng dân chủ hơn, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, chính xác hơn.
Trong quy trình 5 bước, Trung ương nhấn mạnh đầu tiên là phải chuẩn bị cho nhân sự tái cử với những ủy viên Trung ương khóa XII đủ điều kiện tái cử khóa XIII. Bước tiếp theo tính đến số nhân sự mới tham gia lần đầu. Và sau cùng mới tính đến “trường hợp đặc biệt”, xét xem có cần đặc biệt không, và đặc biệt là thế nào.
Quy trình là chuẩn bị xong nhân sự cũng phải từ Trung ương rồi mới đến nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Xong nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới chuẩn bị đến nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Cuối cùng mới tính đến “trường hợp đặc biệt”.
Với những “trường hợp đặc biệt”, Bộ Chính trị phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, nhiều mặt mới quyết định trình ra Ban Chấp hành Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương phải xem xét, cân nhắc rồi mới quyết định báo cáo với Đại hội để Đại hội xem xét, quyết định. Tức là quy trình rất chặt chẽ, không phải ai cũng có thể là “trường hợp đặc biệt”.
- Theo ông, khi giới thiệu "trường hợp đặc biệt", phải làm sao để tránh tình trạng lợi ích nhóm, giới thiệu người trong phe nhóm của mình để được Đại hội thông qua?
- Để trở thành một “trường hợp đặc biệt”, quy trình rất chặt chẽ. Bộ Chính trị phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, nhiều mặt. Khi đã trình ra Bộ Chính trị rồi, phải thông qua Tiểu ban Nhân sự, rồi Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Đây là điểm rất mới mà khóa trước không có.
Trong khóa này, chúng ta có thêm một tổ chức mới, cơ quan mới nhằm rà soát, chỉ đạo việc quy hoạch cán bộ. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị có ngay Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Ban Chỉ đạo này chỉ có 6 người do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. 5 người còn lại gồm Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (phụ trách mảng khối Nhà nước), Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (phụ trách mảng Quốc hội), Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.
Nghĩa là một nhân sự là “trường hợp đặc biệt” được soi xét rất chặt chẽ, kỹ lưỡng, qua rất nhiều cửa. Mỗi nhân sự qua rất nhiều người soi xét hồ sơ chứ không phải đơn giản.
Trên cơ sở quy hoạch còn rà đi rà lại, sau đó mới quyết định giới thiệu, đề cử để xem xét, quyết định. Với cách làm bài bản, khoa học, kỹ lưỡng, chặt chẽ như vậy, tôi tin rằng chất lượng nhân sự cán bộ chiến lược khóa XIII chắc chắn sẽ tốt hơn.
Theo Zing