Đề cập về khung pháp lý cho loại hình tiền ảo, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Thời gian qua, nhiều trường hợp tham gia vào hoạt động này dẫn đến rủi ro. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cảnh báo nhiều lần và trao đổi với các cơ quan pháp luật về vấn đề này.
“Cùng với việc kiến nghị thành lập Tổ công tác liên ngành, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ chủ động hơn nữa và có những đánh giá đối với loại hình tài sản này để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để có khung pháp lý, tổ chức quản lý chặt chẽ, hiệu quả an toàn, bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Đầu tư tiền ảo được cảnh báo có nhiều rủi ro khó lường nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng chi hàng tỷ đồng đầu tư để rồi bị cuốn vào cơn lốc làm giàu nhanh chóng.
Thời gian qua trên thị trường Việt Nam đã xảy ra hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đặt biển tên công ty chứng khoán khi chưa được cấp phép, tổ chức vận hành các ứng dụng, sàn giao dịch chứng khoán trái phép (Gate.io, GoldFinger Finance, Vietdiamondstocks, bawallet9.com, Londonex.com, ZenoMarkets.com, CHMarkets.com, JASS.com, DEXDN.com, LPL.com, TradeTime.com…).
"Thông qua mạng xã hội, các sàn giao dịch đã kêu gọi nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại tiền mã hóa (Pi, USDT, BUSD…) trên các sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành. Sau một thời gian không rút được tiền, hoặc tài khoản đầu tư bị thua lỗ nghiêm trọng, nhà đầu tư mới phát hiện có hành vi lừa đảo", đại diện UBCKNN nhận định.
UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng khi nhận lời mời chào đầu tư từ các cá nhân, tổ chức không rõ lai lịch, nhất là những lời mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, có dấu hiệu không minh bạch. "Cảnh giác khi nhận được các lời mời đầu tư vào các loại tài sản ảo, tiền mã hóa hoặc tham gia giao dịch chứng khoán, tài sản ảo trên sàn giao dịch chứng khoán chưa được cấp phép”, UBCKNN cảnh báo. UBCKNN đang liên hệ, trao đổi với một sàn giao dịch tiền ảo lớn trên thế giới có hơn 200 danh mục tiền ảo, tài sản ảo…
Tại Họp báo thường kỳ quý III/2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 5/10, ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu lĩnh vực tiền ảo và UBCKNN là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng quy chế về loại hình tài sản này.
Theo đó, UBCKNN đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến của Bộ Tư pháp. Đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã nhận dược ý kiến của các bộ, ngành, nhưng về cơ bản các ý kiến đều chưa làm rõ được phương pháp nghiên cứu, cơ chế tiếp cận để xây dựng khung pháp luật về tiền ảo.
“Đây là lĩnh vực mới tại Việt Nam; đồng thời, cũng tương đối nhạy cảm so với các hoạt động quản lý kinh tế xã hội khác, đặc biệt các hoạt động phòng chống tội phạm, đòi hỏi phương pháp nghiên cứu phải hết sức thận trọng. Sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành, UBCKNN sẽ báo cáo Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả và đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành. Trong phạm vi nghiên cứu của Bộ Tài chính, chúng tôi rất khó xây dựng được khung pháp luật đảm bảo tròn trịa các góc cạnh của vấn đề”, ông Hoàng Văn Thu cho biết.
Việc xác định phạm vi, nội hàm của tiền ảo, tài sản ảo đang được các chuyên gia chứng khoán nhận định, chưa có khái niệm chính thức. Do vậy, việc lập Tổ công tác liên ngành là để nghiên cứu tiếp cận các thông lệ quốc tế, các kinh nghiệm của các nước trên thế giới để áp dụng vào thực tế của Việt Nam một cách phù hợp.
Trao đổi thêm vấn đề này, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, đây không phải vấn đề mới nhưng là vấn đề khó, có nhiều rủi ro đòi hỏi phải có đánh giá toàn diện. Nhiều trên thế giới đã công nhận tiền ảo, tài sản ảo và đã cho giao dịch, nhưng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, đây là vấn đề khó và phức tạp vì hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn chưa công nhận đó là tài sản.
“Muốn được giao dịch thì phải là tài sản, từ đó mới lập sàn giao dịch, tổ chức giao dịch, đưa ra các quy định pháp lý…, do vậy, chúng ta còn nhiều bước nghiên cứu kỹ lưỡng, đối với loại hình tài sản này. Cùng với việc kiến nghị thành lập Tổ công tác liên ngành, Bộ Tài chính sẽ tích cực, chủ động hơn nữa, có những đánh giá đối với loại hình tài sản này để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để có khung pháp lý chặt chẽ, tổ chức quản lý chặt chẽ để quản lý hiệu quả an toàn, bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Trước đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, đầu tư tiền ảo là cuộc chơi đầy rủi ro. Nguyên do tiền ảo tồn tại trên nền tảng công nghệ số và hầu hết không được các quốc gia chấp nhận. Thị trường tiền ảo rất nhạy cảm với các thông tin và biến động giá. Nếu chỉ nhìn vào tỷ suất lợi nhuận qua các đợt tăng giá "dựng đứng", nhiều nhà đầu tư rất dễ bị hấp dẫn.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, do vậy người chơi sẽ không được pháp luật bảo vệ. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền mã hóa như một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro cho giới đầu tư. Tuy nhiên, mặc dù cơ quan quản lý đã liên tục cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng chi tiền tỷ đồng để đầu tư tiền ảo nhằm kiếm lợi nhuận “khủng”.
Tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận
Để tránh bị lừa đảo, khi giao dịch, nhà đầu tư cần phải kiểm tra thông tin trên các sàn giao dịch để có cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của mình, hạn chế rủi ro mất mát tài sản. Nhà đầu tư cần tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán về việc mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại các công ty chứng khoán do UBCKNN cấp phép thành lập và hoạt động.
Ngoài ra, nhà đầu tư cần lưu ý các quy định pháp luật về các loại chứng khoán được phép giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, được quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019. Theo đó, các loại tiền kỹ thuật số như: Pi, USDT, BUSD... không phải là chứng khoán và việc mua bán các loại tiền kỹ thuật số nêu trên của nhà đầu tư chưa được pháp luật quy định.
Theo quy định tại khoản 26, 27 Điều 4 về khái niệm “Hệ thống giao dịch chứng khoán” và “Thị trường giao dịch chứng khoán”, Điều 42 về “Tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán” Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán.
Ngoài Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán.