Tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ

01/01/2010 06:25

Theo TS Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ (KHCN), năm 2009 vừa qua, số lượng chương trình, dự án, đề tài khoa học tiếp tục tăng mạnh, cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả ứng dụng.


Mô hình sản xuất hoa theo hướng công nghiệp
Cả năm có 57 nhiệm vụ KHCN được triển khai, với tổng kinh phí 18,7 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã triển khai 5 dự án, 22 đề tài và 1 nhiệm vụ, tăng trên 33% so với năm 2008. Trong đó, có các đề tài, dự án cấp bộ, như dự  án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng để nâng cao chất lượng nông sản, tăng giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác”; đề tài “Áp dụng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống cây”. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn tương đối tốt, nhiều đề tài, dự án thành công được nhân rộng. Nổi bật là tạo dựng được mô hình vùng giống lúa nhân dân. Các mô hình vùng lúa giống nhân dân đã sản xuất trên 10 nghìn tấn giống bảo đảm  chất lượng, đáp ứng 70% diện tích gieo cấy của tỉnh. Công nghệ sản xuất các giống F1 lúa lai 2 dòng, 3 dòng đã được chuyển giao cho nông dân. Nhiều giống rau, màu và cây công nghiệp mới như ngô lai, ngô nếp, khoai tây, lạc, bí xanh... cho năng suất cao, đang được mở rộng diện tích ở một số nơi trong tỉnh. Các mô hình nuôi cá rô phi xuất khẩu tập trung, các giống thuỷ sản nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt như tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, cá tra, cá lăng chấm... được nhân rộng ở các địa phương. Các công nghệ sấy cà rốt, bí ngô, các loại rau gia vị...  được ứng dụng rộng rãi. Kết quả ứng dụng KHCN đã phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học được chú trọng. Nhiều mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất. Điển hình như nhân giống bằng phương pháp cấy mô thành công với các cây lô hội, trinh nữ hoàng cung, một số loại hoa phong lan, hoa đồng tiền, hoa ly; đưa giống cây mới vào sản xuất trên loại đất cao, không chủ động tưới... Các mô hình đã góp phần phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích và góp phần xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn. Điển hình như đề án sản xuất hoa theo hướng công nghiệp. Tổ chức bộ máy của trung tâm từng bước được kiện toàn theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Trong năm, Sở KHCN đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều văn bản điều hành trong lĩnh vực KHCN, góp phần đưa công tác quản lý KHCN vào nền nếp, hướng hoạt động KHCN vào việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Việc phối hợp giữa Sở KHCN với các sở, ban, ngành, chính quyền các huyện, thành phố có nhiều tiến bộ, nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề do thực tiễn sản xuất và đời sống đặt ra. Sở còn thường xuyên tổ chức tập huấn về quản lý nhà nước trên lĩnh vực KHCN, chuyển giao công nghệ, an toàn bức xạ, hạt nhân, sở hữu trí tuệ...; chú trọng đổi mới việc xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ KHCN. Các dự án, đề tài sau khi ký hợp đồng triển khai thực hiện đều được kiểm tra định kỳ,  kinh phí được giải ngân kịp thời, đúng tiến độ. Việc nghiệm thu, đánh giá kết quả công khai, nghiêm túc và dân chủ. Chất lượng cán bộ quản lý KHCN cấp huyện liên tục được tăng cường, do đó phần lớn đã tự đăng ký và tổ chức thực hiện các đề tài, dự án. Hội đồng KHCN cấp huyện đã định hướng phát triển KHCN trên địa bàn, tham gia xây dựng các đề án, chương trình hành động phát triển KHCN đến hết năm 2010. Trong đó, quan tâm chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong năm qua, kinh phí phát triển tiềm lực KHCN tiếp tục được tập trung đầu tư, như các thiết bị về tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng, hiện đại hoá công nghệ thông tin, phục vụ công tác quản lý KHCN. Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường- Chất lượng thường xuyên đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại và sản xuất hàng hoá. Đã kiểm định gần 46 nghìn phương tiện đo lường; thử nghiệm gần 900 mẫu sản phẩm; hướng dẫn công bố tiêu chuẩn - chất lượng hàng hóa. Để tăng cường quản lý ứng dụng công nghệ trong sản xuất công nghiệp, Sở KHCN bước đầu thực hiện đăng ký chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về an toàn bức xạ; triển khai đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ về sở hữu trí tuệ, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ quảng bá thương hiệu nhằm phát triển tài sản trí tuệ và nâng cao sức  cạnh tranh cho các đơn vị tham gia hội chợ thương hiệu nổi tiếng. Nhãn hiệu hàng hóa tập thể được xây dựng cho một số nông sản như rau quả Gia Xuyên (Gia Lộc), Nghi Khê (xã Tân Kỳ, Tứ Kỳ), Phạm Kha (Thanh Miện) và nhất là vải thiều Thanh Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là bước khởi đầu tốt đẹp để nông sản Hải Dương có thể đi xa hơn, mở ra khả năng nâng cao giá trị hàng hóa. Trong các tháng cuối năm, sở phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức bình chọn "Thương hiệu mạnh tỉnh Hải Dương năm 2009"... Công tác thanh tra được tiến hành thường xuyên, bước đầu có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời giúp cho các doanh nghiệp nắm vững những quy định về đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, sở hữu công nghiệp, vệ sinh, an toàn thực phẩm, việc ghi nhãn mác hàng hoá và các vấn đề khác liên quan đến việc lưu thông hàng hoá. Nhờ cải cách thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KHCN cho các tổ chức đã giảm từ 15 ngày xuống còn 5 ngày. Công tác thông tin được nâng cấp, với tạp chí Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoạt động khá hiệu quả. Công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý KHCN được tiến hành thường xuyên...                                  

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ