Thúy Hạnh và cả nhà chờ chuyến bay trở về TP Hồ Chí Minh sau hơn ba tháng kẹt lại vì dịch.
- TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội. Gia đình chị lên kế hoạch gì cho việc trở về?
Cả gia đình cập nhật tin tức mỗi ngày, và vui khi biết sắp có chuyến bay từ đảo về đất liền. Tôi háo hức đặt chân về nhà, được ngả lưng trên chiếc giường thân quen, hôm sau sẽ nấu một bữa ăn ấm cúng để gia đình quây quần. Sau đó, tôi và chồng sẽ đi kiểm tra các thiết bị trong nhà và xe xem có bị hỏng hóc gì không, vì mấy tháng đã không dùng đến.
Từ trái sang: nhạc sĩ Minh Khang, Suli, Thúy Hạnh và Suti vui chơi trên biển cùng nhau.
Hơn 100 ngày qua, bảy người - gồm vợ chồng tôi, chị Thúy Hằng và bốn con - có một kỳ nghỉ dài ngoài mong đợi. Chị tôi sống ở Hà Nội nên con cái đều mong ngóng dịp hè hoặc lễ, Tết để được gặp nhau. Cuối tháng 6, hai gia đình mới kết hợp chuyến công tác để đưa bốn đứa trẻ đi du lịch. Không ngờ, các chuyến bay nội địa ngừng hoạt động, chúng tôi bị kẹt lại đến nay.
- Cuộc sống của chị và gia đình ở trên đảo nhiều tháng qua ra sao?
Mỗi sáng, tôi dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho các bé trước giờ học online, rồi giặt quần áo và chuẩn bị bữa trưa. Sau khi nghỉ ngơi một chút, tôi dọn dẹp nhà và làm việc. Các bé học xong khoảng 15h30, đến 16h, cả nhà dành thời gian cho các hoạt động thể thao và đạp xe cùng nhau, sau đó đi bơi, chèo thuyền... Ngắm hoàng hôn trên biển luôn là một phần không thể thiếu trong lịch trình. Mỗi khi nhìn mặt trời lặn, tôi cảm thấy lòng bình yên, tạm quên nỗi nhớ nhà và những xáo trộn liên quan đến công việc trong thời dịch. Về đến khách sạn, tôi chuẩn bị nấu bữa tối và dọn dẹp, thế là hết một ngày.
Nơi tôi sống khá biệt lập, vì vậy chúng tôi không bị gò bó trong nhà mà vẫn yên tâm về công tác phòng dịch. Hồi tháng 9, Phú Quốc cũng có các ca lây nhiễm ở An Thới (phía Nam), nhưng gia đình ở Gành Dầu (phía Bắc) nên không bị ảnh hưởng. Cuộc sống nơi đây vẫn diễn ra bình thường. Tôi vốn yêu mến hòn đảo này và ra đây hàng tháng do có công việc. Thời tiết ở đảo rất đẹp, người dân địa phương cũng nhiệt tình, vui vẻ. Về Sài Gòn rồi, tôi sẽ quay lại đây nhiều lần nữa chứ không có tâm lý chán ngán hoặc sợ.
- Chị và gia đình gặp những khó khăn gì khi ở lại lâu ngày?
Bất tiện và thiếu thốn cũng khá nhiều, vì chúng tôi không đủ đồ dùng sinh hoạt như khi ở nhà. Các con đều phải học online, trong khi dụng cụ, thiết bị không có gì cả. May mắn, tôi đã tìm được nơi nhận gửi máy tính từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ra Phú Quốc, dù mất 18 ngày mới đến nơi, trễ hơn so với ngày nhập học. Với trang phục và sản phẩm mỹ phẩm, dưỡng da và tóc..., tôi cũng phải nhờ người mua giúp thêm, vì tất cả đồ đạc được mang đi chỉ đủ dùng cho một tuần.
Hiện, chúng tôi sống trong khu resort của đối tác công ty chồng tôi - anh Khang. Chi phí ở tất nhiên là tốn kém nhất trong các hạng mục. Chúng tôi có thay đổi phòng nhưng vẫn ở trong đây thôi. Nói chung, hai gia đình cũng kịp thời thích nghi chỉ sau thời gian ngắn.
- Việc bị kẹt trên đảo mang lại cho chị những mặt tích cực gì?
Dịch ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi người chứ không riêng gì tôi. Tôi thấy mình cần lạc quan trong mọi hoàn cảnh, vì gia đình cần được tôi chăm sóc, bảo vệ và thương yêu. Điều quan trọng nhất lúc này là giữ sự khỏe mạnh, bình an. Thay vì than vãn hay kể khổ, chúng tôi tập sống đơn giản hơn, không tự tạo thêm khó khăn cho bản thân. Kể cả những việc trước đây hiếm khi đụng tay như nhuộm tóc, cắt tóc..., tôi và chị Hằng cũng làm tốt. Ông xã tôi đảm nhận việc đi chợ, mua thực phẩm tươi ngon. Mỗi bữa ăn của gia đình đều rộn rã tiếng cười.
Bảy người chúng tôi cũng chưa bao giờ sống chung với nhau lâu như vậy. Các con vốn yêu thương nhau nay lại càng quấn quýt, chơi đùa cả ngày không biết chán. Tôi thường "báo cáo" với bố mẹ là hai chị em vẫn hòa thuận và nhường nhịn nhau, chia sẻ việc nấu nướng, dọn dẹp và chăm sóc con cái, chứ không cãi vã chí chóe như hồi nhỏ (cười).
- Chị và ông xã giải quyết các công việc từ xa như thế nào?
Nhà tôi đang được một cô bé giúp việc trông nom. Chỉ có điều, lúc đầu tôi dự định đi một tuần nên không để nhiều thực phẩm và tiền mặt cho bé. Tôi phải nhờ hàng xóm hỗ trợ mua thực phẩm và mang đến nhà giúp. Các chi phí sinh hoạt khác được tôi thanh toán online.
Cũng như mọi người, chúng tôi đều làm việc online trong thời điểm này. Thỉnh thoảng, tôi và chồng tham gia một số chương trình bằng hình thức tự quay và kết nối video call với ê-kíp. Trong thời gian ở đây, chồng tôi rất hào hứng, sáng tác được hơn 10 bài mới. Phần lớn anh viết về đề tài gia đình, xã hội, gần nhất là ca khúc dành tiễn biệt ca sĩ Phi Nhung, người chị mà chúng tôi rất trân quý. Một tác phẩm khác tôi rất thích là Không đâu hơn nhà ta, vì nó chứa đựng những nỗi niềm mà chúng tôi gửi gắm. Khi về Sài Gòn, anh sẽ sản xuất và công bố lần lượt, hy vọng được khán giả ủng hộ.
Theo Vnexpress