Thuỷ chiến đời Trần

14/09/2019 12:49

Cứ trung tuần tháng 8 âm lịch hằng năm, trên sông Thương khu vực trước cửa đền Kiếp Bạc, tỉnh ta thường tổ chức diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu.


Màn diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu

Cả một vùng sông nước rộng lớn tấp nập thuyền bè, rực rỡ cờ bay, vang lừng trống trận, hùng dũng oai phong. Đó là những cơ cánh làng chài từ nhiều nơi về đền Kiếp Bạc dâng hương tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Đất nước ta có biển rộng, sông dài, tạo nên những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Nhưng kỳ diệu thay, khi có giặc ngoại xâm thì sông, biển lại hoá thành chiến trường, vũ khí. Khi ấy, sông, biển ngùn ngụt khí thiêng, nổi sóng nhấn chìm thuyền giặc, bảo vệ cõi bờ.

Và thế kỷ XIII, nhà Trần đã ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, sáng mãi trong lịch sử.

Lần thứ nhất, đầu năm 1258, quân Nguyên mang 5 vạn quân chia làm hai đường hùng hổ tiến sang xâm chiếm nước ta. Vua Trần Thái Tông và thái tử Trần Hoàng thân chinh nghênh địch, sau chiến thắng lớn Đông Bộ Đầu đã chấm dứt chiến tranh.

27 năm sau (1285), Hốt Tất Liệt lên ngôi hoàng đế, sai Thoát Hoan đem 50 vạn quân thuỷ bộ sang đánh chiếm nước ta. Chúng xuôi thuyền vào sông Thương, tiến công điểm chốt núi Phả Lại, Vạn Kiếp. Trần Quốc Tuấn được phong chức Quốc công tiết chế thống lĩnh toàn bộ quân đội, đã chọn Vạn Kiếp xây dựng thành căn cứ quân sự chiến lược, cho cuộc kháng chiến.

Cùng với cả nước, các thân vương, quý tộc nhà Trần đều xuất trận.

Trần Nhật Duật đánh vào Hàm Tử khiến Trương Hiển đầu hàng, Toa Đô chết trận.

Chiêu Thành Vương Trần Quốc Toản đánh vào Tây Kết. Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cản phá Chương Dương, trận Hàm Tử chiến công hiển hách. Thượng tướng Trần Quang Khải cảm khái viết vần thơ:

Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu

Đất Việt trở lại thanh bình. Nhưng chỉ 2 năm sau, tháng 12.1287, quân Nguyên lại xuất binh sang đánh nước ta lần thứ ba. Tất cả con dân Đại Việt lại rùng rùng xuất trận, nam phụ lão ấu các vùng, miền đều tham gia kháng chiến. Từ vợ chồng thuyền chài ở Vân Đồn, sông Chanh bỏ chài lưới đi vót chông, đến cụ già vùng Lưu Kiếm ở Thuỷ Nguyên thành dân binh trực nước thủy triều. Những cánh cửa, cột nhà thành bè lửa và  hàng triệu mũi tên, gậy gộc, bẫy đá… từ khe núi  bỗng nhất tề bay ra. Chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 1288 là đỉnh cao trong nghệ thuật quân sự nói chung và nghệ thuật thuỷ chiến nói riêng dẫn đến kết thúc chiến tranh.

Ba lần giặc Mông - Nguyên xâm lược, cả ba lần thảm bại. Dân Đại Việt đã dạy cho kẻ thù bài học về sức mạnh lòng dân: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc.

Ở triều Trần, chiến lược xây dựng quân sự đặc biệt quan trọng. Số quân thường trực được tăng lên, khi xảy ra chiến tranh có thể huy động tới 50 vạn người. Tổ chức biên chế hoàn thiện, tuyển quân chất lượng cao. Người thạo sông nước có sức khoẻ được sung đội chèo thuyền, có nhiệm vụ chuyển quân lính và chiến cụ đến gần mục tiêu tác chiến sao cho hiệu quả. Trai tráng được phân hạng tỷ mỷ. Tướng chỉ huy phải thông thạo binh pháp, trọng võ. Nhà Trần tạo ra sự đoàn kết cao độ trong dòng họ. Các thân vương  đều trở thành tướng lĩnh ra trận với lý tưởng bảo vệ quốc gia, dân tộc.

Trần Khánh Dư là thân vương, tuy có tội nhưng vua Trần đã tha thứ gọi về giao chức phó tướng trông coi mặt trận phía đông. Yết Kiêu là tướng thuỷ chuyên nghiệp được Trần Quốc Tuấn tin dùng. Lập ra đơn vị thuỷ quân độc lập, như quân thuỷ lộ Đông Hải, quân Bình Hải...

Nhận thấy đường thuỷ chiến lược huyết mạch giữa Lục Đầu Giang với hệ thống sông Hồng,  Bạch Đằng nên vua Trần cho nạo vét dòng sông, luồng lạch để tạo thành hệ thống thuỷ liên hoàn phục vụ chiến đấu. Nổi bật là căn cứ thuỷ quân Lục Đầu, Đại Than, Trần Xá, Vạn Kiếp. Ngoài ra, vua Trần còn xây dựng nhiều căn cứ khác dọc sông Hồng và Đông Bộ Đầu để tổng duyệt thuỷ bộ.

Nhà Trần đã cho đóng ba loại thuyền chiến. Đó là đại thuyền chiến chỉ huy trên biển, loại trung bình chuyên chở quân lính và loại thuyền nhỏ có thể cơ động, làm liên lạc, khi tập kích và do thám.

Một tài liệu cổ đã tả thuyền chiến thời Trần: Thuyền nhẹ mà dài, ván mỏng, đuôi như cánh chim uyên ương, hai bên mạn thuyền cao hẳn lên, ba mươi người chèo có khi đông lên đến hơn 100 người, thuyền lướt nhanh như bay…

Dưới triều Trần, thuỷ chiến Đại Việt đã lên tới tầm cao và có tính chuyên nghiệp. Họ biết lợi dụng thế hiểm của sông nước trong chiến tranh mà binh thư gọi là thiên thời, địa lợi. Họ đã tạo thêm chướng ngại nhân tạo để hoàn thiện thế thiên hiểm; biến  những cọc gỗ lim vô tri vô giác cũng có tâm hồn, sắc nhọn thêm căm thù và biết gắn bó ngoạn mục cùng với nhịp thuỷ triều, hoá thành tử thần của quân giặc.

Thời nhà Trần đã kết hợp thuỷ bộ, biết khoét sâu điểm yếu của địch, biết tránh thế ban mai, đánh lúc chiều tà. Liều chết đánh giặc trên thuyền không bằng chế ngầm giặc ở dưới thuyền. Phá quân của giặc không bằng phá thuyền của giặc.

Trần Quốc Tuấn là linh hồn của cuộc kháng chiến, là thiên tài quân sự. Ông biết vận dụng, khai thác truyền thống thuỷ quân từ thời Văn Lang - Âu Lạc, Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Mai Thúc Loan, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt... và  hàng nghìn năm dân tộc để lãnh đạo kháng chiến. Ông soạn Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư là kho tàng lý luận quý giá về nghệ thuật thuỷ chiến trong chiến tranh,  để các triều đại sau nối tiếp trang sử chói lọi, hào hùng.


KHÚC HÀ LINH - THÀNH CHUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuỷ chiến đời Trần