Kinh tế

Thường trực Chính phủ đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

VGP-HD 27/11/2023 15:01

Sáng 27/11, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

toancanh-1701058365172576290519-1701059004417-17010590046511827395204.jpg
Hội nghị Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Ảnh: VGP

Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu tại Hải Dương. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh.

Nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân đầu tư công

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, có 21/52 bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 16,2 nghìn tỷ đồng.

Có 43 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Đến hết tháng 11, bình quân các bộ, cơ quan, địa phương này chỉ đạt tỉ lệ giải ngân khoảng 44%, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước (65,1%), trong đó 15 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50%.

Còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa tốt, chưa sát với thực tiễn, khả năng thực hiện, còn dàn trải, bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công một số dự án còn hạn chế...

Cùng với đó, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, quản lý khoáng sản và vật liệu thông thường...

img6875-170106411100187388383.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công. Ảnh: VGP

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương này cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan, Thủ tướng nêu rõ, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách nhà nước năm 2023, trong khi khối lượng giải ngân còn khá lớn (còn khoảng 247.000 tỷ đồng). Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để "không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy", phát huy tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.

z4919366878863_37cf8cbf5e4e3687d5d46335dd39a97f.jpg
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

"Xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, nhất là những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các công trình, dự án liên vùng, có tính lan tỏa cao...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm (đặc biệt là về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…); cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

z4919366870227_d058b42ea0642345c8accad5b4832f94.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hải Dương

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, dẫn tới dự án kéo dài, đội vốn, lãng phí. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng...

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 của cả nước là hơn 389.000 tỷ đồng, đạt 55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỷ đồng, đạt 65,1%, cao hơn cùng kỳ (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng. Số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn (còn khoảng 247.000 tỷ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Hải Dương nằm trong danh sách các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình cả nước, đến nay mới đạt gần 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Từ khi hình thành dự án đến lúc có thể giải ngân vốn phải thực hiện qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại chịu sự tác động của nhiều quy định, điều luật khác nhau như xây dựng, đất đai, đấu thầu, thuế, môi trường… Vì thế, nhiều đơn vị lúng túng trong thực hiện, mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ. Bên cạnh đó, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, công tác khảo sát, thiết kế chưa tốt dẫn tới nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, ảnh hưởng tới việc cân đối, phân bổ vốn và hoàn thành dự án theo tiến độ. Kế hoạch vốn đầu tư công cấp huyện, cấp xã còn nhiều hạn chế, vốn đầu tư chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất. Khi thị trường bất động sản trầm lắng, các địa phương không bố trí đủ nguồn vốn để triển khai dự án…

VGP-HD
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thường trực Chính phủ đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công