Phần lớn các doanh nghiệp cho biết vẫn duy trì mức thưởng Tết như năm ngoái. Tuy nhiên nếu mức thưởng Tết Tân Mão 2011 có bằng năm trước hoặc tăng nhẹ thì đời sống người lao động vẫn bị giảm sút do trượt giá.
Thưởng tết mất ý nghĩa khi thị trường trượt giá.
Người lao động đi làm cả năm chỉ mong đến dịp Tết có món tiền thưởng kha khá để sắm sửa cho gia đình nhưng thưởng Tết năm nay theo thống kê là không cao.
Trừ một số ngành như Ngân hàng, Chứng khoán, Viễn thông, Dầu khí… là thưởng cuối năm cao, còn các ngành khác như Giáo dục, Dệt may, Môi trường đô thị, công nhân… mức thưởng bình quân không quá 2 - 3 triệu đồng.
Với mức thưởng này vào thời điểm cuối năm ngoái khi giá cả chưa lên thì còn lo được cái Tết tương đối ổn, còn năm nay giá lương thực thực phẩm tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi thì số tiền thưởng này chẳng thấm vào đâu. Vì thế nỗi lo Tết này mua gì, sắm gì luôn canh cánh trong lòng người thu nhập thấp.
Nhà nghèo thì để lo một cái Tết tối thiểu cũng phải có nồi bánh chưng, con gà, mâm ngũ quả… để thắp hương tổ tiên. Thế những nguyên liệu cho món truyền thống này là gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba rọi, lá dong đều tăng nhiều so với năm ngoái.
Cụ thể: Gạo nếp cái hoa vàng tết Canh Dần là 22.000 đồng, năm nay là 30.000 đồng/kg; đỗ xanh tăng từ 25.000 đồng lên 32.000 đồng/kg; thịt lợn ba rọi cũng tăng không kém, từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng/kg… dự báo càng những ngày giáp Tết Nguyên đán các loại nguyên liệu này còn tăng nữa.
“Chồng em làm xây dựng, nghe phong thanh năm nay chỉ được thưởng tết khoảng 2,5 - 3 triệu đồng, còn em làm công nhân may, giỏi lắm thưởng cũng chỉ 2 triệu đồng. Với số tiền này ra chợ mua sắm bây giờ phải đắn đo, suy nghĩ lắm vì ngoài khoản chi cho ăn uống còn nhiều chi phí phát sinh trong dịp Tết” - chị Nguyễn Thúy Nga, công nhân may KCN Sài Đồng chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho rằng: “Khác với các ngành khác, ngành may rất cần lao động, vì vậy cho dù kết quả kinh doanh ra sao thì các doanh nghiệp may vẫn cố gắng giữ mức thưởng như năm ngoái để giữ chân người lao động”.
“Dù mức thưởng Tết của nhiều doanh nghiệp năm 2011 có cao hơn chút ít so với năm 2010, nhưng do giá cả leo thang, đồng tiền mất giá nên mức thu nhập này vẫn được coi là chỉ bằng hoặc thấp hơn năm trước’ - ông Hồng nói thêm.
Tết luôn là dịp để người đi làm xa về quê sum họp sau cả năm vất vả. Vì thế theo nhiều công nhân thì trừ khoản chi phí tàu xe đi lại cũng chẳng còn được bao nhiêu.
“Bên công ty mình nghe nói thưởng Tết Tân Mão được khoảng 3 triệu đồng nhưng 3 triệu đồng năm ngoái còn có giá trị chứ năm nay chẳng tiêu được gì nhiều. Cứ trừ tiền tàu xe về Hà Tĩnh đã mất mấy trăm nghìn rồi chưa kể quà cáp cho ông bà hai họ… mà cái gì cũng đắt đỏ quá” - anh Phạm Văn Thanh, công nhân một doanh nghiệp thép tâm sự.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, năm nay ngành thép gặp một số bất lợi vào cuối năm do giá phôi thép thế giới tăng cùng với áp lực tỷ giá, trong khi giá thép thành phẩm bán ra không tăng nhưng ông Cường khẳng định thưởng tết năm nay sẽ bằng năm ngoái. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, với mức thưởng như vậy thì không bù nổi trượt giá.
Trong khi lương thưởng tăng không đáng kể thì ngoài thị trường mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nào cũng tăng giá tới chóng cả mặt.
“Nghe mấy chị làm ngân hàng nói được thưởng Tết cả chục triệu mà ngành giáo dục chúng mình thấy buồn. Mang tiếng là giáo viên nhưng thưởng Tết năm nào cũng chỉ được 500 nghìn đồng thôi, nghe đâu năm nay thì được 1 triệu. Nghĩ cầm 1 triệu ra chợ bây giờ chỉ cần mua con gà cũng mất đến 300 nghìn đồng rồi…” - cô giáo Lan, giáo viên trường Tiểu học Đại Yên chia sẻ.
Giá cả các mặt hàng đều tăng nhanh làm người đi chợ sắm Tết phải đắn đo, rụt rè. Đấy mới là những phần thiết yếu nhất của Tết còn phần du Xuân thì nhiều người chưa dám nghĩ tới, vì thưởng đấy thì du Xuân đâu?
Trả lời báo chí, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐTB-XH) khẳng định, nếu so sánh với mức độ trượt giá thì mức lương, thưởng năm nay nếu có bằng được năm trước thì đời sống của người lao động đã bị giảm sút.
(Nguồn: Dantri)