Thuốc giải rượu có bảo vệ được "ma men"?

07/11/2021 14:00

Thuốc giải rượu đang được nhiều người coi là "thần dược" cho sức khỏe sau mỗi cuộc nhậu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, thuốc giải rượu ít có tác dụng trong việc bảo vệ cơ thể, đặc biệt là với những "ma men".


Với những người có thói quen nhậu nhẹt thì uống thuốc giải rượu cũng không có tác dụng

Nhiều người duy trì thói quen thường xuyên sử dụng thuốc giải rượu với suy nghĩ sẽ có tác dụng bảo vệ được sức khỏe. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, với những người thường xuyên sử dụng rượu bia thì thuốc giải rượu gần như không có tác dụng.

Tùy tiện sử dụng

Là trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) nên anh N.V.M. quê ở làng Quýt, xã Lạc Long (Kinh Môn) liên tục phải tiếp khách trên bàn nhậu. Anh M. kể không ít lần uống rượu bia kín tuần, có ngày 2 bữa. Sức khỏe của anh vì thế cũng giảm sút trông thấy.

Ngoài uống thuốc bổ gan, 2 năm nay, anh M. tìm đến thuốc giải rượu như một giải pháp hỗ trợ tối ưu cho các cuộc tiếp khách của mình. Cứ trước khi đi nhậu khoảng nửa tiếng, anh M. sẽ uống hai viên, sau khi đi nhậu về thì uống hai viên nữa. “Uống nhiều rồi nhưng mình cũng chẳng đọc thông tin về thuốc đâu. Thông thường cứ trước khi đi tiếp khách là mình sử dụng, hết lại mua”, anh M. chia sẻ.

Kể từ khi hàng quán được hoạt động trở lại sau thời gian dài phải tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19, tuần nào anh L.V.C. ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) và nhóm bạn của mình cũng vài lần tụ tập ăn nhậu. Không ít lần anh C. cùng bạn nhậu từ sáng đến tận chiều. Mỗi lần say rượu, anh thường mua thuốc giải rượu về sử dụng. Anh C. cho biết: “Tôi sử dụng thuốc giải rượu từ cách đây mấy năm rồi. Không có ai tư vấn đâu, nghe bạn giới thiệu thì ra hiệu thuốc mua thôi. Nhân viên bán thuốc bảo mỗi lần uống 2 viên nhưng tôi cứ làm hẳn ba viên cho chắc, nhất là mỗi khi xác định sẽ phải nhậu nhiều”.

Có điều gần đây anh C. nhận thấy cơ thể mệt mỏi. Sau mỗi lần tham gia cuộc nhậu, anh thường xuyên bị chướng bụng, ăn uống kém. “Đi khám thì bác sĩ nói tôi bị gan nhiễm mỡ, men gan vượt nhiều lần cho phép", anh C. chia sẻ.

Sử dụng thuốc giải rượu một cách tùy tiện là thực trạng phổ biến hiện nay. Dân nhậu khi đi mua về sử dụng thậm chí không quan tâm đến xuất xứ, thành phần, tác dụng, tác hại của thuốc. Họ thường chỉ hỏi nhân viên bán thuốc là uống thế nào chứ không quan tâm uống nhiều có tác hại gì. Không hiếm trường hợp coi thuốc giải rượu là “bảo bối”, “vật hộ thân” mỗi lần chuẩn bị tham gia liên hoan, ăn uống. 


Thị trường hiện có nhiều loại thuốc giải rượu được sản xuất ở cả trong và nước ngoài

Ít tác dụng

Nhân viên một nhà thuốc trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) cho biết trên thị trường hiện có nhiều thuốc giải rượu dạng nước hoặc dạng viên được sản xuất ở cả trong và nước ngoài. Giá của các loại thuốc giải rượu không đắt, chỉ 20.000 đồng đã có một hộp từ 4-6 viên. “Giờ khách nhà em chuộng sử dụng thuốc giải rượu dạng nước, xuất xứ từ Hàn Quốc vì được bào chế từ thảo dược. Một hộp 5 gói nhưng cũng chỉ có 70.000 đồng. Mỗi tuần em bán được cả thùng”, nhân viên này cho hay.

Tìm kiếm trên internet dễ dàng thấy bài viết quảng cáo hàng chục loại thuốc giải rượu với những công dụng đào thải rượu, giải độc rượu để bảo vệ gan… Tuy nhiên, dù có chiết xuất từ đâu thì theo bác sĩ Phạm Văn Điển, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ, việc sử dụng thuốc giải rượu thường xuyên, liên tục cũng ít có tác dụng trong việc bảo vệ cơ thể, đặc biệt là với những "ma men". Bởi khi rượu bia vào cơ thể đã tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, gan - bộ phận có chức năng thải độc. Với những người sử dụng bia rượu với tần suất dày đặc thì gan sẽ không sản xuất đủ lượng men để chuyển hóa giải độc tố. Khi ấy rượu bia sẽ tích tụ và gây độc cho không chỉ gan mà còn các bộ phận nội tạng khác. Lâu ngày sẽ làm cơ thể phát sinh các loại bệnh như xơ gan, viêm gan, thậm chí ung thư gan.

“Những thành phần có trong thuốc giải rượu có thể sẽ làm cho người ta có cảm giác dễ chịu sau khi uống rượu bia. Nhưng thực chất khi uống rượu thì chất độc đã ngấm vào gan. Người nhậu nhẹt liên miên thì gan càng nhiễm độc nặng, có uống thuốc giải rượu cũng chẳng có tác dụng gì. Thế nên muốn không rước họa vào thân thì hãy hạn chế tối đa việc uống rượu bia”, bác sĩ Điển chia sẻ.

Các bác sĩ cảnh báo rượu bia dù uống ít hay nhiều thì đều có thể gây hại nhiều cơ quan trong cơ thể. Để bảo vệ bản thân, mọi người tốt nhất nên hạn chế sử dụng. Nếu có trót uống tới say xỉn thì nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước lọc và một số loại nước được chế biến từ đỗ đen, nước chanh, nước sắn dây, rau má, tía tô… để hỗ trợ giải độc.

AN THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuốc giải rượu có bảo vệ được "ma men"?
    ss