Trong số các khoản đóng góp đầu năm học, một khoản thu làm cha mẹ học sinh một số trường tiểu học không hài lòng là học phí để con em mình học kỹ năng sống.
Chuyện này xuất phát từ việc một số trường học không tự giảng dạy môn kỹ năng sống mà thuê một đơn vị bên ngoài giảng dạy, nên học phí cao hơn so với việc bố trí giáo viên của trường giảng dạy. Ở nơi người dân có thu nhập cao thì không sao, còn với địa phương mà thu nhập của người dân thấp, cuộc sống khó khăn thì đây đúng là việc rất đáng suy nghĩ, cho dù việc làm này có được thực hiện đúng quy trình và không trái với quy định của Nhà nước.
Chưa bao giờ cụm từ “kỹ năng sống” lại được đề cập nhiều như hiện nay. Trẻ em bị người lớn than vãn rằng như “gà công nghiệp”, chẳng biết làm gì ngoài việc học. Người lớn cũng có lúc bị đánh giá thiếu kỹ năng sống như không biết giao tiếp, không biết cách ứng xử khi gặp tình huống nguy hiểm… Mỗi người có một cách hiểu khác nhau về kỹ năng sống. Ai cũng thấy giáo dục kỹ năng sống rất quan trọng nên nhiều gia đình tranh thủ dịp hè gửi con tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện, trải nghiệm, dã ngoại… để rèn kỹ năng sống. Trong các trường tiểu học, nội dung thực hành kỹ năng sống đã được biên soạn thành sách, có giờ học riêng nên mới có chuyện trường này tự bố trí giáo viên giảng dạy kỹ năng sống, trường kia thuê doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường tự giảng dạy, song một số trường lấy lý do giáo viên không có khả năng hoặc thiếu giáo viên nên chọn phương án đi thuê. Giáo viên các trường nếu giảng dạy kỹ năng sống thì thu học phí chỉ bằng mức học phí buổi 2 của học sinh tiểu học, còn nếu thuê doanh nghiệp tổ chức giảng dạy thì chi phí do 2 bên thỏa thuận.
Ai sẽ có lợi khi hoạt động giảng dạy kỹ năng sống được các nhà trường đi thuê? Có người nói là học sinh, bởi các em sẽ được đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, rất chuyên nghiệp trong lĩnh vực này giảng dạy, được tham gia nhiều hoạt động bổ ích, lý thú. Giáo viên các trường cũng được hưởng lợi, bởi chỉ phải tập trung vào chuyên môn, các môn văn hóa mà mình phụ trách, không phải nhọc công soạn giảng, thiết kế các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Rất có thể với đội ngũ cán bộ quản lý các trường, còn có thêm nguồn lợi “vô hình” trích theo phần trăm giá trị hợp đồng giữa nhà trường với doanh nghiệp.
Vậy ai chịu thiệt? Nói thiệt thì không đúng, nhưng người gặp khó sẽ là phụ huynh học sinh khi họ phải gánh thêm một khoản chi phí mà khoản này họ sẽ không phải trả nếu nhà trường chọn cách tiết kiệm hơn. Cũng có nhiều giáo viên đời sống khó khăn, mong có thêm khoản thu từ tiền thừa giờ, nhưng đã không có cơ hội khi việc này được giao cho doanh nghiệp thực hiện.
Giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép trong rất nhiều môn học như đạo đức, tự nhiên - xã hội (đối với cấp tiểu học), sinh học, giáo dục công dân… (đối với cấp THCS). Đó là chưa kể còn có bộ môn được coi là môn học làm người (văn học) được dạy suốt bậc học phổ thông. Học sinh không thiếu cơ hội được học, thực hành các kỹ năng sống. Vấn đề là các trường, gia đình có trao cho các em cơ hội đó hay không. Thực tế một số trường đến giờ học kỹ năng sống thì cô giáo cho học sinh làm toán với tập viết. Học văn thì chỉ lo trả lời các câu hỏi, các dạng đề sẽ gặp nếu đi thi mà quên mất việc chỉ ra ý nghĩa của tác phẩm văn học, những bài học rút ra cho bản thân trong những tình huống tương tự của nhân vật. Tại sao lại phải lãng phí tiền thuê doanh nghiệp giảng dạy kỹ năng sống khi tất cả các nhà trường đều tự làm được việc này?
NGUYÊN ANH