Theo các chuyên gia an ninh mạng, trên thực tế không có cuộc gọi thoại di động nào có thể lấy được tiền hay tài khoản, mật khẩu ngân hàng của người nghe. Những tin đồn xoay quanh việc này là thất thiệt.
Mạo danh công an, cảnh sát, chính quyền địa phương để gọi điện tống tiền, yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân dù không mới nhưng vẫn liên tục khiến nhiều người sập bẫy. Điều này cũng khiến không ít người cảnh giác hơn trước các cuộc gọi từ số lạ.
Tuy nhiên, sự cẩn thận cũng cần đặt trên cơ sở thông tin chính xác. Thời gian qua, nhiều thông tin lan truyền trên mạng có nội dung: Chỉ cần nghe điện thoại từ một số máy lạ, tài khoản ngân hàng của bạn có thể bị rút sạch tiền.
Nguyên văn tin nhắn: "Biểu tượng này gọi đến, mình chỉ cần bấm nhận cuộc gọi là mất hết tiền trong tài khoản vì nó là trí tuệ nhân tạo có khả năng lục tìm mọi bí mật trong điện thoại của ta. Nó tập trung tìm trong App banking, lấy mật khẩu để chuyển hết tiền từ tài khoản ngân hàng của ta qua tài khoản của bọn hackers. Mọi người lưu ý và cảnh báo người thân: đợi nó tắt chuông rồi chặn số luôn nhé".
Liên quan đến thông tin này, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) khẳng định đây là một dạng tin đồn không có thật, mục tiêu là dựng nên một câu chuyện mang tính giật gân, kích thích người nhận tiếp tục lan truyền tới bạn bè của mình ngay khi nhận được tin giả. Điều này giúp cho tin giả lan truyền trong cộng đồng thông qua chính người dùng tự chia sẻ.
"Trên thực tế thì không có cuộc gọi nào có thể lấy được tiền hay tài khoản, mật khẩu ngân hàng", ông Sơn nhấn mạnh.
Việc nghe một cuộc gọi sẽ chỉ khiến người nghe gặp rủi ro mất tài sản nếu họ bị lừa cung cấp thông tin cá nhân quan trọng, truy cập vào các đường link độc hại hoặc tải các ứng dụng không rõ nguồn gốc theo chỉ dẫn của tội phạm.
Các hành động này có thể khiến thiết bị bị nhiễm mã độc, dẫn đến lộ lọt dữ liệu cá nhân và thông tin quan trọng. Mã độc có thể chiếm quyền điều khiển thiết bị, theo dõi hoạt động của nạn nhân và gây ra các thiệt hại nghiêm trọng về lâu dài.
Do đó, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến cáo khi có nhu cầu cài đặt phần mềm, hãy truy cập trực tiếp các kho ứng dụng chính thống hoặc các website được cung cấp chính thức của nhà sản xuất. Thường xuyên cập nhật hệ điều hành để vá các lỗ hổng, cài đặt các phần mềm diệt virus uy tín và sao lưu dữ liệu định kỳ để giảm thiểu thiệt hại khi bị tấn công.
Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã liên tục rà soát, yêu cầu cập nhật thông tin thuê bao để xử lý mạnh tay các số điện thoại rác, ngăn chặn tình trạng spam. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng các đối tượng thuê người dân đăng ký số điện thoại bằng thông tin chính chủ, sau đó mua lại chúng để sử dụng.
Do đó, người dùng cần cẩn trọng, không bắt chuyện với các cuộc gọi không có số định danh (brand name) hoặc không có trong danh bạ (số lạ). Lưu ý rằng các cơ quan quản lý nhà nước không làm việc với người dân qua điện thoại. Kết thúc ngay cuộc gọi nếu thấy nội dung không liên quan tới nhu cầu của mình để tránh bị lừa đảo. Có thể sử dụng các tính năng chặn cuộc gọi có trên điện thoại, hoặc sử dụng các ứng dụng chặn cuộc gọi spam như nTrust để bảo vệ tự động.
Ngoài ra, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, tội phạm công nghệ cao đang sử dụng Deepfake để tạo ra các video giả mạo khuôn mặt và giọng nói giống hệt một người nào đó. Nhờ công nghệ này, không chỉ dừng lại ở các cuộc gọi thông thường, chúng còn thực hiện các cuộc gọi video giả mạo để lừa đảo tài chính, khiến không ít người rơi vào bẫy. Do đó, mỗi người dân cần hết sức cảnh giác trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển và hành vi tội phạm ngày càng tinh vi như hiện nay.
Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng. Thực tế cho thấy số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ.
VN (theo Vietnam+)