Thúc đẩy hợp tác vì sự ổn định khu vực Đông Bắc Á

25/12/2019 18:18

Lãnh đạo ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vừa kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh ba bên tại TP Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc với những kết quả khá tích cực.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (ngoài cùng bên trái), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại Thành Đô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trong đó, đáng chú ý có việc lãnh đạo 3 nước nhất trí cùng nỗ lực nối lại đối thoại Mỹ-Triều và cải thiện quan hệ trong nhiều lĩnh vực.

Đây là lần đầu tiên 3 nước nối lại hội nghị thượng đỉnh kể từ sau sự kiện diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) hồi tháng 5.2018.

Hội nghị được mong đợi

Hội nghị Trung-Nhật-Hàn vốn là hội nghị được tổ chức thường niên trên cơ sở luân phiên giữa 3 nước và bắt đầu họp lần đầu tiên từ năm 1999. Khi đó, lãnh đạo ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 (gồm 10 nước Đông Nam Á và Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản).

Sau đó, vào năm 2004, bên lề hội nghị ASEAN+3, lãnh đạo ba nước Trung-Nhật-Hàn đã quyết định sẽ tổ chức hội nghị cấp cao thường niên, theo cơ chế luân phiên. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2008, hội nghị cấp cao Trung-Nhật-Hàn đã được lãnh đạo ba nước tổ chức thường niên.

Đây là một trong những cơ chế ngoại giao cấp cao quan trọng hàng đầu của khu vực, tạo ra những tác động to lớn đối với các chuyển động an ninh và thương mại của khu vực Đông Bắc Á. Mục tiêu của tiến trình ngoại giao cấp cao này là tăng cường hiểu biết, duy trì hợp tác thương mại, phát triển kinh tế trong khu vực...

Tuy nhiên, do những bất đồng nên 3 quốc gia láng giềng Đông Bắc Á này mới chỉ tổ chức được hội nghị thượng đỉnh 3 bên thêm vài lần.

Hội nghị cấp cao ba bên đã bị gián đoạn trong các năm 2013 và 2014. Năm 2015, hội nghị được nối lại tại Seoul, Hàn Quốc, song lại tiếp tục bị gián đoạn trong năm 2016 và 2017 do căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các biến động chính trị tại Hàn Quốc. Hội nghị gần đây nhất là vào tháng 5.2018 được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.

Những lý do khiến hội nghị cấp cao ba bên Trung-Nhật-Hàn bị gián đoạn là vì quan hệ liên tục xấu đi giữa Nhật Bản và hai nước láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc vì các vấn đề lịch sử, chính trị và lãnh thổ. Trong đó, giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn bắt nguồn từ những vấn đề tranh cãi trong thời chiến tranh và tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Gần đây, Nhật Bản còn ban hành các hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc để phản đối lập trường của Seoul về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động trong các nhà máy và hầm mỏ của Nhật Bản thời chiến, khiến căng thẳng song phương càng trầm trọng.

Trong khi đó, ngoài bất đồng liên quan tới quá khứ thời chiến, Nhật Bản cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đối với quần đảo mà Tokyo đặt tên là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Ngoài ra, hai cường quốc ở châu Á này cũng có khá nhiều mâu thuẫn lợi ích và đang cạnh tranh gay gắt với nhau cả về tầm ảnh hưởng trong khu vực lẫn vị thế trên trường quốc tế.

Quan hệ Hàn Quốc-Trung Quốc cũng đã trải qua giai đoạn tồi tệ đi khi Bắc Kinh phản đối việc Seoul để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Với những mâu thuẫn trên, rõ ràng 3 nước còn có rất nhiều vấn đề khác cần đối thoại để giải quyết chứ không chỉ là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vốn ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh khu vực Đông Bắc Á.

Trong bối cảnh đó, giới quan sát đánh giá hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn lần này là sự kiện quan trọng, đánh dấu 20 năm kể từ khi định dạng thượng đỉnh ba bên này được triển khai vào năm 1999.

Việc ba nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn gặp nhau tại Thành Đô, Trung Quốc lần này đã thắp lên tinh thần tăng cường hợp tác sâu rộng, thúc đẩy hợp tác đa phương, song phương trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng và những điểm nóng tại khu vực Đông Bắc Á chưa “hạ nhiệt” như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc.

Nhất trí thúc đẩy hợp tác

Tại hội nghị, ba nhà lãnh đạo đã cùng hội đàm các vấn đề nhằm củng cố quan hệ đối tác 3 bên trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là việc thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa ba nước.

Cả ba nhà lãnh đạo đều nhắc tới những yếu tố như tăng cường tin cậy lẫn nhau, nhất trí tiếp tục liên lạc chặt chẽ để tìm giải pháp cho những khác biệt còn tồn tại.

Việc các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã mở đầu hội nghị thượng đỉnh với những tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ đối tác ba bên trong nhiều lĩnh vực rõ ràng đã phát đi những thông điệp đầy thiện chí và tích cực.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu rõ thông qua hội nghị lần này, ba nước sẽ tăng cường quan hệ tin cậy về chính trị, bảo đảm an toàn, ổn định khu vực và hòa bình thế giới để cùng đối phó áp lực kinh tế thế giới suy giảm.

Theo ông Lý Khắc Cường, tổng kim ngạch thương mại của 3 nước chiếm gần 1/6 tổng kim ngạch thương mại thế giới, tổng kim ngạch thương mại ba bên là khoảng hơn 700 tỷ USD, do đó, việc 3 bên hợp tác sẽ gửi đi tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới đang giảm sút và những xung đột về chính trị đang leo thang, đồng thời đem lại hạnh phúc cho người dân 3 nước.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thì nhấn mạnh sự cần thiết của “hợp tác hài hòa” giữa ba nước nhằm thúc đẩy một “thế giới bền vững”.

Theo ông Moon Jae-in, 3 nước là "một cộng đồng gắn kết bằng một vận mệnh chung" và nền kinh tế 3 quốc gia Đông Bắc Á này được kết nối bằng một "chuỗi giá trị". Ông hy vọng hợp tác kinh tế giữa 3 nước sẽ được tăng cường để có thể cùng nhau phát triển.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng hội nghị lần này là cơ hội để 3 bên tăng cường liên kết hơn nữa nhằm đối phó với những vấn đề quan trọng của khu vực, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên, các vấn đề chung mang tính quy mô toàn cầu và củng cố trật tự kinh tế thế giới.

Bên cạnh vấn đề kinh tế-thương mại, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng là một chủ đề quan trọng.

Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Trung-Nhật-Hàn lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Triều Tiên đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại. Triều Tiên đã đặt hạn chót đến cuối năm nay Mỹ phải thể hiện thay đổi lập trường mà Bình Nhưỡng cho là thù địch đối với Triều Tiên nhằm thúc đẩy tiến bộ trong triển khai cam kết của lãnh đạo hai nước hồi tháng 6.2018 về phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.

Những ngày gần đây, Triều Tiên thậm chí còn cảnh báo về “món quà Giáng sinh” gửi đến Mỹ nếu Washington vẫn không lay chuyển cho đến thời hạn chót đề ra. “Món quà Giáng sinh” mà Bình Nhưỡng nhắc đến đã làm bùng lên những lo ngại về khả năng Triều Tiên có thể sẵn sàng phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa trong thời gian tới. Nếu điều này xảy ra thì nó có thể sẽ chấm dứt thỏa thuận hiếm hoi đã đạt được hồi năm 2018 giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump.

Trong bối cảnh đó, 3 nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn đã tái khẳng định sự cần thiết phải tìm ra một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên thông qua đối thoại, và 3 nước nhất trí phối hợp để thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.

Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng việc bảo vệ ổn định và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề này là lợi ích chung của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ba bên Trung-Nhật-Hàn còn diễn ra “hội nghị cấp cao doanh nghiệp”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra ý tưởng về một “Cộng đồng kinh tế Đông Bắc Á” dựa trên 3 nguyên tắc là: tăng cường hợp tác để xây dựng trật tự thương mại tự do; tăng cường quan hệ đối tác trong các ngành công nghiệp mới; tăng cường hợp tác vì hòa bình khu vực Đông Bắc Á.

Ý tưởng này được đánh giá là sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho ba nước, nhất là đối với các ngành năng lượng, hay các ngành công nghiệp đón đầu cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Tín hiệu tích cực

Theo các nhà phân tích, hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn cùng với các cuộc tiếp xúc song phương của lãnh đạo Trung-Hàn và Trung-Nhật lần này đã tạo ra một cơ hội hiếm hoi để các bên trực tiếp đối thoại, từ đó giúp tháo gỡ vướng mắc và có thể tăng cường liên kết hơn nữa nhằm đối phó với các vấn đề lớn hiện nay, đặc biệt là vấn đề duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.

Mặc dù kết quả hội nghị được đánh giá là còn khiêm tốn khi các bên mới chỉ đưa ra tuyên bố dừng lại ở những câu từ thể hiện lập trường nguyên tắc, song không thể phủ nhận ý nghĩa không nhỏ của hội nghị này đối với quan hệ các nước cũng như đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề vốn nổi cộm ở khu vực Đông Bắc Á, nhất là khi quan hệ Mỹ-Triều lại có nguy cơ quay trở lại thời kỳ căng thẳng năm 2017 sau những động thái gây lo ngại gần đây của cả hai bên.

Thực tế, sự hợp tác Trung-Nhật-Hàn có sự khác biệt nhiều so với cơ chế phối hợp Hàn-Mỹ hay Hàn-Mỹ-Nhật bởi Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đồng minh của Mỹ. Hàn-Mỹ hay Hàn-Mỹ-Nhật đều khó có thể thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi lập trường.

Trong khi đó, Trung Quốc lại là nước có quan hệ gần gũi với Triều Tiên, có tầm ảnh hưởng nhất định đối với nước này. Về ngoại giao và an ninh, Bắc Kinh đóng vai trò "người bảo trợ đặc biệt” của Bình Nhưỡng trong khi về kinh tế, Trung Quốc được coi là “thuyền cứu sinh” đối với Triều Tiên trong bối cảnh nước này đang bị cấm vận.

Do đó, có thể nói, trong 3 nước Đông Bắc Á, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể gây ảnh hưởng đối với Triều Tiên. Việc 3 nước Trung-Nhật-Hàn nhất trí hợp tác nhằm bảo đảm tiến trình phi hạt nhân hóa được duy trì thông qua đối thoại Mỹ-Triều kịp thời được coi là một thành quả lớn, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á.

Trong khi đó, ở góc độ hợp tác song phương, hội nghị thượng đỉnh Trung-Hàn-Nhật lần này còn có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản và Trung Quốc-Hàn Quốc.

Ngay trước khi hội nghị ba bên diễn ra vào ngày 24.12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có cuộc gặp riêng rẽ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Qua các cuộc gặp này, có thể thấy quan hệ Trung-Nhật hiện nay đang đứng trước cơ hội mới để cải thiện và phát triển, còn quan hệ Trung-Hàn cũng bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục ổn định.

Không những vậy, thông qua cuộc gặp 3 bên, Trung Quốc cũng có thể giúp giảm bớt phần nào căng thẳng hiện nay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc do vấn đề lịch sử để lại.

Còn ở góc độ đa phương, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại hiện nay trỗi dậy, tình hình kinh tế toàn cầu phức tạp, hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giúp thúc đẩy hợp tác khu vực, thể hiện quyết tâm của các bên trong bảo vệ chủ nghĩa đa phương, duy trì nền kinh tế thế giới mở.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy hợp tác vì sự ổn định khu vực Đông Bắc Á