Đề án “Phát triển du lịch TP Chí Linh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” sẽ giúp Chí Linh phát huy, khai thác hết giá trị, tiềm năng du lịch của địa phương.
Dù có nhiều di tích nhưng Chí Linh chưa khai thác tốt giá trị du lịch
Ảnh: THÀNH CHUNG
Kết quả bước đầu
TP Chí Linh có lợi thế phát triển du lịch với khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Theo thống kê, Chí Linh hiện có 10 di tích xếp hạng quốc gia, 20 di tích xếp hạng cấp tỉnh và mỗi năm có 101 lễ hội truyền thống.
Từ khi thực hiện đề án, TP Chí Linh đã dành hơn 418,9 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông, trùng tu tôn tạo các di tích, các điểm đến du lịch, các khu vui chơi, xây dựng các công trình phụ trợ phát triển du lịch. Địa phương quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp thực tế như du lịch tham quan, du lịch lễ hội, du lịch thể thao kết hợp giải trí và du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo. Hiện thành phố đã có 32 sản phẩm OCOP gắn liền các điểm di tích như mật ong Chí Linh, gạo nếp cái hoa vàng An Lạc, gà đồi Chí Linh… Thành phố có 35 cơ sở lưu trú với 558 phòng nghỉ, trong đó có 1 khách sạn 3 sao và 2 cơ sở được công nhận là cơ sở lưu trú cho khách du lịch; 16 điểm dừng chân kết hợp giới thiệu sản phẩm phục vụ khách du lịch, 55 cơ sở dịch vụ ăn uống thuộc cấp thành phố quản lý. Với điều kiện cơ sở vật chất đó, du lịch Chí Linh cơ bản đáp ứng nhu cầu du khách.
Điểm nhấn rõ nhất thể hiện quyết tâm của Đảng bộ TP Chí Linh là quy hoạch vùng lõi phát triển du lịch trong quy hoạch chung thành phố tầm nhìn đến năm 2040. Cụ thể, vùng phát triển du lịch tâm linh sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn di sản văn hóa quốc gia đặc biệt có quy mô 7.510 ha thuộc địa phận các phường, xã Cộng Hòa, Lê Lợi, Hưng Đạo, Văn An, Hoàng Tân, Chí Minh, Phả Lại, Cổ Thành và Bắc An. Với định hình quy hoạch không gian thành phố sẽ giúp cấp ủy, chính quyền địa phương có những chính sách phù hợp quy hoạch để khai thác triệt để nguồn lực từ du lịch.
TP Chí Linh cũng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại vừa giúp giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, vừa là cơ hội để quảng bá các sản phẩm du lịch địa phương.
Nhờ đó, du lịch Chí Linh đã có những bước tiến mới. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Chí Linh đã đón 820.891 lượt khách. Tổng doanh thu lĩnh vực du lịch trên địa bàn từ khi triển khai đề án ước đạt hơn 489,6 tỷ đồng, đạt 69% chỉ tiêu đề án đặt ra. Thu nhập từ du lịch từng bước được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Rất ít khách lưu trú
Bên cạnh những kết quả tích cực, Chí Linh cũng chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch. Theo thống kê, từ năm 2021 đến hết tháng 2.2023, TP Chí Linh đã đón tiếp hơn 1,3 triệu lượt khách, mới đạt hơn 46% chỉ tiêu đề án. Lượng khách tới địa bàn chủ yếu đi trong ngày nên lượng khách lưu trú lại Chí Linh chỉ đạt 2% tổng lượt khách.
Cũng theo khảo sát của UBND thành phố, thời gian lưu trú trung bình là 1,6 ngày/khách, chi tiêu trung bình đối với khách quốc tế lưu trú khoảng 3,3 triệu đồng/ngày đêm, đối với khách quốc tế không lưu trú chi tiêu khoảng 1,6 triệu đồng/ngày. Đối với du khách nội địa có lưu trú khoảng 2 triệu đồng/ngày đêm, du khách nội địa không lưu trú chỉ khoảng 300.000 đồng/ngày. Phần lớn chi tiêu của du khách khi tới Chí Linh dành cho dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển và tham quan, trong khi chi phí cho dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm còn rất hạn chế. Điều này cho thấy hạ tầng du lịch của Chí Linh chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của khách.
TP Chí Linh cũng chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng và có thương hiệu, chưa thu hút được các nhà đầu tư vào khu du lịch trọng điểm, hoạt động liên kết vùng còn hạn chế. Việc hình thành bản đồ du lịch chưa được thực hiện và đặc biệt nguồn lực đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế…
Để thúc đẩy du lịch Chí Linh phát triển xứng tầm, UBND TP Chí Linh đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp khắc phục hạn chế. Trong thời gian thực hiện đề án, toàn thành phố tập trung nguồn lực lựa chọn xây dựng một điểm đến du lịch hấp dẫn, xây dựng các sản phẩm du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch bổ sung và lưu trú đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, chú trọng tổ chức các sự kiện du lịch lớn ở Chí Linh…
Để tháo gỡ những khó khăn, tiếp sức cho du lịch thành phố, ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND TP Chí Linh đề xuất: “Cần tăng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch bổ sung từ ngân sách nhà nước. UBND tỉnh nên có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các dự án trong các điểm, khu du lịch; dành nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng, quan tâm nâng tầm các lễ hội độc đáo trên địa bàn thành phố…".
TÂM PHÚC