Thủ tướng yêu cầu phải có giải pháp tích cực cho đầu tư công

04/06/2022 09:46

Thủ tướng yêu cầu với các vấn đề quan trọng như đầu tư công, sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh,... Chính phủ phải có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tình hình mới.

Sáng 4.6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 5.2022. Dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ.

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh ở nước ta được kiểm soát vững chắc hơn, số ca nặng, tử vong giảm mạnh, trong nhiều ngày không còn ca tử vong do COVID - 19; chiến dịch tiêm chủng tiếp tục triển khai hiệu quả. Tình hình KT-XH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư không ngừng được củng cố và tăng cường.

thu tuong yeu cau phai co giai phap tich cuc cho dau tu cong hinh anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ xem xét, thảo luận về: Tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới; công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân đầu tư công và một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính điểm lại tình hình thế giới và trong nước trong đó nhấn mạnh, tình hình cạnh tranh chiến lược, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự đoán, tiếp tục ảnh hưởng kinh tế toàn cầu; tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo chậm lại, rủi ro tăng cao; giá dầu thô, nguyên liệu đầu vào tăng cao, tạo ra lạm phát; các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu... ảnh hưởng tình hình trong nước.

Về tình hình trong nước Thủ tướng cho biết, trong tháng 5 chúng ta đã phải chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 5 với các vấn đề liên quan kinh tế-xã hội, đất đai, kinh tế tập thể, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; và tập trung tổ chức thành công SEA Games 31; các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi nổi, nhất là ở cấp cao.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải giải quyết những vấn đề tồn đọng như các dự án thua lỗ, kéo dài, các tổ chức tín dụng yếu kém; các dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, các bệnh viện…; đối phó với vấn đề mới như thị trường vốn, liên quan trái phiếu, cổ phiếu, liên quan lạm phát, tăng giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào đặt ra trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của nhân dân và doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình 5 tháng đầu năm khởi sắc ở các khu vực như nông lâm ngư nghiệp; dịch vụ, du lịch, công nghiệp…

thu tuong yeu cau phai co giai phap tich cuc cho dau tu cong hinh anh 2

Toàn cảnh phiên họp

Hiện nay, chúng ta đang kiểm soát được dịch bệnh, được thế giới đánh giá cao, tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng Phục hồi sau đại dịch Covid-19 (CRI) do Nikkei đánh giá; đó là nhờ sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, nhân dân, bạn bè quốc tế. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; hoạt động đối ngoại diễn ra tích cực, đàm phán về biên giới chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân được cải thiện; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Chúng ta đang nỗ lực thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm, đó là đầu tư công, sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh và yêu cầu cần phải có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tình hình mới. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp  các giải pháp phù hợp, hiệu quả, đi thẳng vào nội dung để xử lý các vấn đề tồn đọng, điểm nghẽn, phát sinh mới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tăng niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 2,86%, bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 1,29% của năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020); thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định, tín dụng tăng 7,73% so với cuối năm 2021; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Thu NSNN ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,7% cho thấy sự cố gắng của chúng ta trong bối cảnh lạm phát, lãi suất, giá dầu và nhiều hàng hóa thiết yếu trên thế giới gia tăng.

thu tuong yeu cau phai co giai phap tich cuc cho dau tu cong hinh anh 3

Thủ tướng yêu cầu với các vấn đề quan trọng như đầu tư công, sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh,... phải có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn.

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, tháng 5 tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 8,3%,trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2%. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ. Chỉ số PMI sản xuất các ngành công nghiệp tháng 5 đạt 54,7 điểm mức cao nhất trong vòng 13 tháng và đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp đạt trên 50 điểm.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tháng 5 ổn định và có phần tăng trưởng; Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 5 nhộn nhịp, sôi động, trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 22,6% so cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 9,7%. Xuất khẩu 5 tháng tăng 16,3%, nhập khẩu tăng 14,9%, xuất siêu khoảng 516 triệu USD. Khách quốc tế tháng 5 gấp 12,8 lần cùng kỳ; 5 tháng tăng 4,5 lần.

Theo VOV

(0) Bình luận
Thủ tướng yêu cầu phải có giải pháp tích cực cho đầu tư công