Từ ngày1-1-2013 đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trả nợ vay.
Chuẩn bị cho Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xóa bỏ, dừng thu từ ngày 1/1/2013 đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trả nợ vay.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý đối với các trạm thu phí khác (trừ các trạm thu phí hoàn vốn các dự án BOT) trong tháng 1/2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Về việc xử lý lao động, trang thiết bị, tài sản và vé tồn của các trạm thu phí xóa, dừng thu, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với phương án do Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất.
Đối với các trạm thu phí trên hệ thống đường địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý, sắp xếp các trạm thu phí thuộc phạm vi quản lý theo nguyên tắc nêu trên.
Hiện cả nước có khoảng 57 trạm thu phí, trong đó có 12 trạm nộp ngân sách, 5 trạm trả nợ vay, 5 trạm đang bán quyền thu phí, 29 trạm thu hoàn vốn dự án BOT, 4 trạm thu hỗ trợ vốn dự án BOT, 1 trạm thu để hình thành vốn điều lệ cho CIPM Cửu Long, 1 trạm thu hoàn vốn đường cao tốc.
Theo quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ 1/1/2013, chủ phương tiện sử dụng ô tô, xe máy sẽ phải đóng Quỹ Bảo trì đường bộ. Theo đó, mỗi tháng người điều khiển ô tô sẽ phải đóng mức phí từ 130.000 - 1.040.000 đồng tuỳ loại xe. Xe máy đóng từ 100.000- 150.000 đồng/năm.
Quỹ này dùng để bảo trì mặt đường xuống cấp. Để bớt gánh nặng cho chủ phương tiện, khi quỹ đi vào hoạt động một số trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước sẽ được xoá bỏ.
Hiện cả nước có khoảng 35 triệu xe máy và hơn 1,5 triệu ô tô. Kể từ 1/1/2013, chủ sử dụng phương tiện ô tô, xe máy sẽ đều phải đóng Quỹ Bảo trì đường bộ theo quy định.