Ngày 4.6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5 năm 2022.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng dự phiên họp.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022.
Kinh tế - xã hội phục hồi mạnh mẽ
Báo cáo tại phiên họp cho thấy, trong tháng 5, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; lạm phát, giá cả hàng hóa, lương thực thực phẩm, dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực toàn cầu… tác động không nhỏ đến nước ta.
Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI tháng 5 tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 5 tháng tăng 2,25%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; các cân đối lớn được đảm bảo. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 tăng 14,5% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 15,6%; tính chung 5 tháng đầu năm xuất siêu 516 triệu USD. FDI thực hiện 5 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ (5 tháng năm 2021 tăng 6,7%), cho thấy nhu cầu tiếp tục mở rộng sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc, trong đó sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,1%. Tính chung 5 tháng, chỉ số IIP toàn ngành ước tăng 8,3% so với cùng kỳ, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,2%. Nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Thái Nguyên… phục hồi tốt. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tháng 5 tăng 12,6% so với cùng kỳ, gấp 1,8 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung 5 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 98,6 nghìn doanh nghiệp, mức cao nhất từ trước tới nay, gấp 1,4 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng. Công tác an sinh xã hội được thực hiện rộng rãi. Quốc phòng an ninh được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, với nhiều hoạt động đối ngoại đa phương và song phương cấp cao. Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ, việc lớn, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, phân tích về kết quả, nguyên nhân; đặc biệt là chỉ ra những hạn chế, vướng mắc và giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Trong đó có giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; chủ động kiểm soát lạm phát vào các tháng cuối năm; thu hút FDI, thúc đẩy du lịch; lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, bất động sản; có giải pháp phù hợp, điều hành giá xăng dầu trong nước; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và các gói phục hồi kinh tế; xử lý các vấn đề nảy sinh như tội phạm trên không gian mạng, dạy - học môn lịch sử, vấn đề sách giáo khoa... Đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận Phiên họp, đồng ý với báo cáo và ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cùng với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, trong tháng 5/2022, các sự kiện và hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực đều sôi động, khởi sắc hơn. Nhiều sự kiện lớn, quan trọng của đất nước như: Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII kết thúc tốt đẹp; Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc và đang diễn ra sôi nổi, chất lượng; SEA Games 31 thành công rất tốt đẹp. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động đối ngoại được triển khai sôi động, nhịp nhàng, hiệu quả.
Theo đánh giá của Nikkei (Nhật Bản), chỉ số phục hồi sau đại dịch COVID-19, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14 thế giới; Việt Nam là 1 trong 2 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P nâng hạng tín nhiệm dài hạn lên mức BB+, triển vọng “ổn định”.
“Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Kết quả này cũng góp phần tăng cường, củng cố niền tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ; tăng cường niềm tin của bạn bè, nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển của Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Lắng nghe, điều chỉnh phù hợp các vấn đề nảy sinh
Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra, nhận định, phân tích 8 khó khăn, tồn tại, thách thức; đồng thời nêu những nguyên nhân, các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện trong tháng 6 và thời gian tới. “Trước hết phải nắm chắc tình hình dịch COVID-19; nắm bắt tình hình cạnh tranh chiến lược; diễn biến giá cả đầu vào, năng lượng, rủi ro lạm phát; nắm chắc diễn biến tình hình kinh tế của khu vực và quốc tế... để có giải pháp ứng phó hiệu quả. Xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng phòng, chống dịch COVID-19, trong đó tập trung đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine; hướng dẫn phòng, chống dịch, trong tình hình mới. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia...
Theo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản... Bảo đảm cung cầu, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả, điều hành, bình ổn giá phù hợp. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới. Đẩy mạnh thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số. Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp hiệu quả, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước; cơ cấu lại thị trường tiền tệ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém…
Về văn hóa - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành chuẩn bị thực hiện thật tốt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7; làm tốt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, hỗ trợ người lao động; tổ chức phòng, chống dịch bệnh hiện nay và các dịch bệnh theo mùa; tập trung phòng, chống lụt bão, giảm tác hại của thiên tai; tổ chức tốt các kỳ thi; đánh giá việc thực hiện tự chủ Đại học; cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của Nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý sau thanh tra; giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định chính trị; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả các hoạt động đối ngoại; chủ động thông tin, truyền thông, phản bác lại những thông tin xấu độc, chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vì lợi ích quốc gia dân tộc; chuẩn bị các nội dung, tiếp thu các góp ý và giải trình, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì rà soát lại các vấn đề liên quan sách giáo khoa mới theo hướng đảm bảo khoa học, khả thi, thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí cho người dân, đem lại lợi ích cho xã hội. Về vấn đề dạy - học môn lịch sử ở bậc THPT, Thủ tướng yêu cầu lắng nghe ý kiến của học sinh, phụ huynh, nhân dân, các nhà khoa học; đồng thời tổng kết, đánh giá tác động để có giải pháp, điều chỉnh phù hợp, vừa đảm bảo thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vừa đảm bảo yêu cầu thực tiễn và mong muốn của người dân. “Truyền thống lịch sử, văn hóa cũng là nguồn lực và đầu tư cho lĩnh vực này cũng là đầu tư cho phát triển. Chúng ta cần cầu thị, lắng nghe để đạt hiệu quả xã hội cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo TTXVN