Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó yêu cầu Bộ trưởng Tài chính thực hiện nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững.
Có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Bộ trưởng Tài chính cũng được giao khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023.
Chủ động có biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất ngay các biện pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.
Yêu cầu các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả.
Việc này để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" và theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Cạnh đó Thủ tướng yêu cầu chủ động đẩy mạnh hơn nữa theo thẩm quyền việc quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách và các hoạt động không lành mạnh khác để bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững.
Khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Có các biện pháp cụ thể để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; trình Chính phủ trước ngày 20.12.2022.
Trước đó dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 vừa trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất lùi 1 năm, tức là từ ngày 1.1.2024 thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm với nhà phát hành... để vực dậy thị trường trái phiếu.
Theo Tuổi trẻ