Cần có tầm nhìn chiến lược để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đạt thành công, như cách mà ông Park Hang Seo đã làm với đội tuyển bóng đá.
Thủ tướng trò chuyện với các doanh nghiệp - Ảnh: VGP/QUANG HIẾU
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu "hướng tới khát vọng đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia" tại Hội nghị các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tổ chức ngày 19.12.
Kỳ vọng Việt Nam trở thành công xưởng thực sự, không chỉ ôtô, xe máy mà cả ngành hàng không và các lĩnh vực khác, Thủ tướng cho rằng cần phải có tầm nhìn chiến lược, như cách mà HLV Park Hang Seo đã làm giúp đội tuyển bóng đá Việt Nam thành công.
"Cần có tinh thần đưa Việt Nam thành cứ điểm sản phẩm các tập đoàn đa quốc gia. Đó là vấn đề các bộ ngành địa phương cần phải suy nghĩ để định hướng phát triển công nghiệp thông minh, để ngành CNHT Việt Nam đạt thành công như ông Park Hang Seo đưa thành công đến với đội bóng Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh cần phải có cần phải tinh thần thể thao, bóng đá trong làm kinh tế.
Thủ tướng nhắc nhở "cứ bình bình thì làm sao thành công được", đặt câu hỏi với các bộ ngành và địa phương về tinh thần làm việc. "Các doanh nghiệp có ý chí, nghị lực, năng lực và nguồn lực để chuẩn bị hay không?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung nghiên cứu phát triển áp dụng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số vào sản xuất, tập trung vào các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh.
Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu phát triển những ngành CNHT là thế mạnh của Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2020 có sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao, sản phẩm hướng ra toàn cầu.
Thủ tướng đặt vấn đề: "Việt Nam có phải là công xưởng chế tạo của khu vực không? Các nhà nghiên cứu đều nêu ra, làm được hay không là do chúng ta. Năng lực quản trị, nghiên cứu phát triển, cách tổ chức của chúng ta. Do đó, cần phải học tập nghiên cứu CNHT của Nhật Bản, Hàn Quốc".
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh trước hết Bộ Công thương cần làm rõ hơn vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu, đặc biệt chú trọng các ngành lắp ráp, sản xuất ôtô, máy tính, điện thoại di động, dệt may, da giày.
Các doanh nghiệp quan tâm hơn đến nghiên cứu phát triển trên cơ sở thành lập các trung tâm nghiên cứu. Lấy thị trường thế giới là mục tiêu phát triển CNHT để cạnh tranh, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh.
Đi liền với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển CNHT, nhất là chính sách thuế, đất đai, ngân hàng, nguồn nhân lực... Trong suy nghĩ và hành động, Thủ tướng yêu cầu phải nuôi dưỡng nguồn thu, phát triển lâu dài và tạo giá trị gia tăng lớn.
Theo Tuổi trẻ