Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường và cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang bị cơ quan điều tra xác định có trách nhiệm liên quan trong vụ án buôn bán thuốc giả tại VN Pharma.
Một phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ thuốc giả tại VN Pharma
Vụ án buôn bán thuốc giả tại VN Pharma từng gây rúng động dư luận đã kéo dài hơn 7 năm, trải qua 2 giai đoạn điều tra. Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã bị khởi tố sau 2 lần Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan an ninh điều tra bổ sung.
Việc cả 2 thứ trưởng của Bộ Y tế cùng bị xác định có sai phạm và nhiều quan chức của Cục Quản lý dược bị bắt trong vụ án này cho thấy đã có những "lỗ hổng chết người" trong công tác quản lý, dẫn đến nhiều loại thuốc giả nguồn gốc dễ dàng lọt qua các vòng thẩm định đưa vào Việt Nam tiêu thụ.
VN Pharma được "ưu ái" hay Cục Quản lý dược bị "qua mặt"?
Bản kết luận điều tra bổ sung vừa được Bộ Công an ban hành cho thấy sai phạm trong công tác quản lý xảy ra ở cả 2 đời cục trưởng Cục Quản lý dược. Trong đó, riêng ông Cao Minh Quang bị cơ quan điều tra cho rằng có dấu hiệu vi phạm từ khi là cục trưởng đến cả khi giữ chức thứ trưởng Bộ Y tế.
Nhiều quy định, quy chế về thẩm định cấp số đăng ký thuốc đã bị những quan chức ở Cục Quản lý dược bỏ qua dẫn đến hậu quả VN Pharma sử dụng số đăng ký để nhập khẩu thuốc giả nguồn gốc vào Việt Nam. Hậu quả sâu xa hơn là có những loại thuốc đã được sử dụng gây thiệt hại trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân.
Theo kết luận điều tra, hành vi của ông Cường là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, còn thuộc cấp của ông có hành vi cố ý làm trái quy định, tiếp tay cho thuốc giả nhãn mác. Cụ thể, hồ sơ xin cấp số đăng ký 2 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 không đảm bảo hồ sơ pháp lý nhưng thuộc cấp của ông Cường đã tự ý thẩm định lại hồ sơ, đề nghị cấp số đăng ký thuốc không đúng quy định. Từ đây, 2 loại thuốc được VN Pharma sử dụng số đăng ký để nhập khẩu.
Điều đáng nói, từ năm 2014, Cục Quản lý dược đã nhận được nhiều phản ảnh những loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Đơn vị này đã xác minh tại các công ty dược của Canada về Health 2000. Trong khi chờ kết quả, cục cũng đề nghị Tổng cục Hải quan tạm ngừng nhập khẩu các sản phẩm của Health 2000, đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) phối hợp xác minh.
Khi đó ông Cường có một số chỉ đạo nhưng lại không kịp thời đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc. Hành vi này của ông Cường bị cơ quan điều tra cáo buộc gây hậu quả 4 trong 7 loại thuốc kháng sinh mang nhãn mác Health 2000 (tổng giá trị trên 3,7 tỉ đồng) tiếp tục được sử dụng trong điều trị.
Kết quả điều tra xác định ông Cường với vai trò là cục trưởng Cục Quản lý dược kiêm phó chủ tịch thường trực hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc phải chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và pháp luật về mọi hoạt động sai phạm. Hành vi của ông Cường bị cơ quan tố tụng kết luận là chưa làm hết trách nhiệm với vai trò người đứng đầu, gây thiệt hại hơn 50,6 tỉ đồng.
Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
Trách nhiệm cựu thứ trưởng Cao Minh Quang đến đâu?
Cơ quan an ninh điều tra cho rằng trong vụ án này còn có trách nhiệm của ông Cao Minh Quang, cựu thứ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch hội đồng xét duyệt thuốc. Kết quả điều tra đến nay xác định ông Quang có trách nhiệm trong việc xét duyệt, quyết định cấp số đăng ký 2 loại thuốc dẫn đến hậu quả 2 loại thuốc này được VN Pharma sử dụng nhập khẩu thuốc giả vào Việt Nam.
Ông Quang bị cơ quan điều tra xác định đã thiếu trách nhiệm khi xem biên bản thẩm định, xem xét lại hồ sơ khi biên bản thẩm định có dấu hiệu tẩy xóa, thay đổi ý kiến. Hồ sơ chưa đúng trình tự song ông vẫn đồng ý đưa ra họp và quyết định cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc này.
Ông Quang còn có trách nhiệm trong việc ban hành các quy trình, quy chế về thẩm định cấp số đăng ký thuốc giai đoạn 2005 - 2010 gây bất cập trong quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký thuốc.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường
Vụ thuốc Tamiflu Từ năm 2006 đến nay, còn một số vụ việc nổi cộm, gây nhiều chú ý ở thời điểm 2 ông Cao Minh Quang và Trương Quốc Cường lãnh đạo Cục Quản lý dược Bộ Y tế. Ví dụ vụ sai phạm trong dự trữ, sản xuất thuốc Tamiflu phòng chống cúm A. Thời điểm đó Bộ Y tế có tờ trình cho biết từ 2003-2005 có 91 trường hợp mắc bệnh, đề xuất đến 30-6-2006 phải dự trữ 30 triệu liều Tamiflu. Thanh tra Chính phủ đã thanh tra và kết luận đề xuất này là thiếu căn cứ thực tế diễn biến dịch tại Việt Nam. Việc mua nguyên liệu cũng có vấn đề khi không mua nguyên liệu có hạn dùng 10 năm mà mua loại hạn dùng 3 năm, dẫn đến thuốc, nguyên liệu bị hết hạn, dự báo về dự trữ thuốc và số ca mắc bị "chênh" nhiều, dẫn đến nhiều thuốc đã sản xuất bị bỏ xó, thiệt hại kinh tế lớn |
Theo Tuổi trẻ