Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định số bệnh nhân Covid-19 còn tăng lên và đạt đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới.
"Qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh", Thứ trưởng Sơn nói ngày 5.8. "Không thể chủ quan mặc dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt".
Thứ trưởng nhận định giai đoạn hai của dịch khó khăn hơn nhiều. Ở giai đoạn một, dịch cũng xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, tuy nhiên chỉ có một số nhân viên Công ty Trường Sinh và vài điều dưỡng mắc bệnh. Giai đoạn 2 dịch khởi phát tại bệnh viện, lây lan cho nhiều bệnh nhân và người nhà cũng như các nhân viên y tế chăm sóc tại 3 bệnh viện. Trong đó, rất nhiều bệnh nhân có bệnh nền nặng đã tử vong và nhiều trường hợp đang nguy kịch.
"Bên cạnh những bệnh nhân đã truy vết được thì ở một số nơi đã xuất hiện một số bệnh nhân không liên quan đến các bệnh viện trên. Do vậy công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn một", ông Sơn nói.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cùng chính quyền Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh đã có những chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. "Nếu toàn bộ nhân dân trong những vùng nguy cơ thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 thì chúng ta mới hy vọng dập tắt được dịch", ông Sơn nói.
Thứ trưởng Sơn cho biết việc truy vết F0 tại Đà Nẵng không phải là mục tiêu chủ yếu của Bộ Y tế tại thời điểm này. Hiện giờ mục tiêu là sử dụng xét nghiệm kháng thể để phát hiện những ca nhiễm trong cộng đồng, phát hiện những trường hợp dương tính kháng thể (tức trường hợp đã từng nhiễm Sars-CoV-2) và truy vết người tiếp xúc để tìm ra ca bị lây nhiễm gần.
Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh sử dụng các công cụ truy vết, tìm ra bệnh nhân và người tiếp cận gần để cách ly, thì xét nghiệm là công cụ chủ đạo để phát hiện ca dương tính trong cộng đồng. Có hai loại xét nghiệm là RT-PCR và huyết thanh.
"Đối với Đà Nẵng, cả 2 loại xét nghiệm đều cần thiết do bệnh dịch lây khá lâu trong cộng đồng, việc tìm người mang virus là rất cần thiết. Bên cạnh đó xét nghiệm còn truy ra những bệnh nhân mới, bệnh nhân tiềm tàng", ông Sơn nói.
UBND và Sở Y tế Đà Nẵng đã nâng công suất xét nghiệm lên 8.000-10.000 mẫu một ngày nhưng vẫn có thể tăng hơn nữa. Do đó, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh mang thêm máy móc xét nghiệm ra hỗ trợ một số cơ sở y tế ở Đà Nẵng như Bệnh viện 199 (Bộ Công an), là rất cần thiết.
Thứ trưởng Sơn nhận định Bộ Y tế đã triển khai những gì tốt nhất trong việc phòng chống dịch tại Đà Nẵng. Tuy nhiên ông cho rằng không thể chủ quan mà phải triển khai tốt hơn nữa so với giai đoạn hiện nay như mở rộng năng lực xét nghiệm, tăng cường khả năng của đội truy vết, cố gắng nỗ lực trong công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là những bệnh nhân nặng.
Ông hy vọng mọi người dân tuân thủ phòng chống dịch và tin tưởng vào sự nỗ lực của ngành y tế trong việc khống chế dịch bệnh.
Trong 3 bệnh viện phải phong tỏa, thời gian mở cửa của Bệnh viện C là 7.8. Hai bệnh viện còn lại thuộc thẩm quyền của TP Đà Nẵng nên sẽ do UBND TP Đà Nẵng quyết định.
Theo VnExpress