Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu, chỉ đạo ông Doãn Văn Phương, Tổng Giám đốc FLC và em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế (kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC) cùng đồng phạm thực hiện hành vi nâng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng
Theo quyết định của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo khác sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 22/7. Liên quan đến vụ án, ông Trịnh Văn Quyết bị truy tố về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán".
Ở tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", cáo buộc cho rằng, bị cáo Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu, quyết định, chỉ đạo toàn bộ việc dùng Công ty Faros làm công cụ, phương tiện để chỉ đạo ông Doãn Văn Phương, Tổng Giám đốc FLC và em gái ông Quyết là bà Trịnh Thị Minh Huế (kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC) cùng đồng phạm thực hiện hành vi nâng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết cũng là người chỉ đạo, lãnh đạo Công ty Faros thực hiện các thủ tục để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận công ty này là công ty đại chúng, được niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE.
Ngoài ra, ông Quyết còn chỉ đạo việc mua bán số cổ phiếu khống về giá trị để chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư nhằm sử dụng vào mục đích cá nhân.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu và đã tự nguyện khắc phục hậu quả số tiền hơn 189 tỷ đồng.
Về xác định bị hại, cơ quan điều tra đã chứng minh được việc có 30.403 nhà đầu tư mua 391.155.480 cổ phiếu ROS (lần bán ra ban đầu) của ông Trịnh Văn Quyết giao dịch trên sàn HOSE, với tổng giá trị thu về là hơn 4.818 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Faros chỉ có vốn chủ sở hữu thực là hơn 1.197 tỷ đồng và vốn góp chủ sở hữu khống là hơn 3.102 tỷ đồng. Qua đó, bị can Trịnh Văn Quyết đã chiếm đoạt của 30.403 nhà đầu tư nêu trên số tiền 3.621 tỷ đồng.
Các cá nhân này đã bỏ tiền để mua cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán mà không biết cổ phiếu đã bị ông Quyết và đồng phạm dùng các thủ đoạn gian dối để nâng khống về giá trị, vì vậy họ được xác định là bị hại của vụ án.
Cơ quan điều tra đã áp dụng các biện pháp ủy thác điều tra; đồng thời cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nhiều lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị người bị hại đã mua cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán khai báo, tiến hành xác minh, lấy lời khai để xem xét, giải quyết trong vụ án.
Tuy nhiên, kết quả điều tra đến nay xác định có 133/30.403 bị hại đang sở hữu 627.090 cổ phiếu ban đầu (hình thành từ vốn góp khống) với tổng giá trị khi mua là hơn 2,2 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, hiện có 95/133 bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại do đang sở hữu 381.670 cổ phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống với giá trị mua là hơn 1,3 tỷ đồng.
Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội do Thẩm phán Vũ Quang Huy ký, tòa xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty CP xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS).
Hơn 63.000 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan này và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác đều được tòa triệu tập đến phiên xét xử.
Số người bị hại trong vụ án này được xác định là 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của Công ty CP xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS).
Đối với tội "Thao túng thị trường chứng khoán" mà ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc, cáo trạng chỉ ra rằng, ông Quyết và đồng phạm đã thao túng giá 5 mã cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC; thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng.
Đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, cơ quan điều tra cho rằng, chưa có căn cứ xác định thiệt hại của nhà đầu tư.
VN (theo Vietnamnet)