Hong Kong bị đẩy xuống vị trí thứ hai, thủ đô Beirut của Liban từ vị trí thứ 45 trong năm ngoái lên vị trí thứ 3 và thủ đô Tokyo của Nhật Bản giảm một bậc xuống vị trí thứ 4 trong năm nay.
Thủ đô của Turkmenistan trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới
Hãng tư vấn toàn cầu Mercer ngày 22.6 công bố kết quả khảo sát thường niên cho thấy, thủ đô Ashgabats của Turmenistan đã thay thế Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người lao động nước ngoài.
Theo kết quả khảo sát, TP Ashgabat đã tăng bậc từ vị trí thứ hai trong cuộc khảo sát năm ngoái lên vị trí đầu tiên do "tỉ lệ lạm phát cao".
Trong khi đó, Hong Kong bị đẩy xuống vị trí thứ hai, thủ đô Beirut của Liban từ vị trí thứ 45 trong năm ngoái, lên vị trí thứ 3 và thủ đô Tokyo của Nhật Bản giảm một bậc xuống vị trí thứ 4 trong năm nay.
Turkmenistan hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu khí đốt tự nhiên và đang chật vật phục hồi kinh tế do giá năng lượng trên toàn cầu giảm trong năm 2014, nguyên nhân làm đồng nội tệ manat giảm mạnh và đẩy nhiều người dân vào cảnh đói nghèo.
Thụy Sĩ có ba thành phố trong Top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, gồm Zurich (thứ 5), Geneva (thứ 8) và Bern (thứ 10). Hai thành phố của Trung Quốc đại lục cũng trong danh sách này là Thượng Hải giảm một bậc xuống vị trí thứ 6 trong khi Bắc Kinh tăng lên vị trí thứ 9.
Singapore giữ vị trí thứ 7. Các thành phố của Mỹ giảm thứ tự xếp hạng năm nay phần lớn do sự dao động của đồng USD và bất chấp lạm phát tăng, trong đó thành phố New York giảm 8 bậc xuống vị trí thứ 14.
Theo kết quả khảo sát, thành phố ít đắt đỏ nhất đối với người lao động nước ngoài là thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, ở vị trí thứ 209.
Theo TTXVN