Thú chơi thư pháp ngày xuân

01/02/2020 09:59

Đã một thời thú chơi chữ thư pháp là nét văn hóa không thể thiếu của người Việt mỗi độ Tết đến, xuân về.


Nhiều bạn trẻ đến Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) xin chữ đầu xuân

Ngày nay, tuy không còn thịnh hành nhưng nhiều người vẫn muốn tìm về với những giá trị truyền thống bằng tục xin chữ đầu năm.

Mê chữ

Trong không khí háo hức đón xuân sang, ngoài những lời chúc tụng dành cho nhau thì nhiều người còn muốn gửi gắm những lời cầu chúc tốt đẹp vào thư pháp. Nhắc đến thư pháp, ban đầu chỉ là phương pháp viết chữ sao cho chuẩn xác, cho đẹp. Theo thời gian, chữ thư pháp đã vượt ra khỏi ý nghĩa ban đầu, trở thành nghệ thuật viết chữ cách điệu được người viết gửi gắm trong tác phẩm. Chẳng thế nhiều người vẫn quan niệm, ngày Tết mà có chữ thư pháp viết trên giấy đỏ của một người hay chữ để treo trong nhà thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn.

Năm nay, nhiều khu di tích ở tỉnh ta tổ chức hoạt động cho chữ như đền thờ thầy giáo Chu Văn An, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh); Văn miếu Mao Điền, đền Bia (Cẩm Giàng); chùa Đông Thuần, chùa Phong Hanh (TP Hải Dương)… Người đến xin chữ ở nhiều độ tuổi, ngành nghề, mỗi người đều có mong ước riêng. Người làm nghề buôn bán thường xin chữ “Phú Quý”, “Phúc Lộc”; người cao tuổi xin chữ “Trường Sinh”; người cẩn thận không xin nhiều, chỉ xin lấy chữ “Nhân”, “Nhẫn”, “Đức” để hằng ngày ra vào trông chữ mà dưỡng tâm, sửa tính…

Vốn đam mê chữ nghĩa, ông Đỗ Văn Vịnh (85 tuổi) ở xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) bảo từ ngày Văn miếu Mao Điền có tục cho chữ, năm nào ông cũng về đây xin chữ. “Năm nay dù mùng 1 mưa gió nhưng tôi vẫn sắp xếp về văn miếu. Tôi đến không chỉ để sở hữu một bức thư pháp đẹp mà tôi thích cảm giác được ngồi ngắm các ông đồ viết chữ, nghe họ nói về nội dung các chữ, cách viết, cách mài mực hay những câu chuyện về lịch sử của thư pháp, rất cuốn hút”, ông Vịnh nói.

Ngắm từng câu đối được treo ở sân đền Bia, ông Hoàng Ngọc Toàn (TP Hải Dương) bảo muốn viết được chữ đẹp, người viết phải trải qua một quá trình khổ luyện, vậy thì người chơi thư pháp phải biết mượn nét bút tài hoa ấy để trau chuốt tâm hồn mình, giúp đời sống tinh thần thêm phong phú. "Ngày ngày ra vào thấy chữ là ngắm nghía để tự răn lòng, đó cũng là một cách học làm người”, ông Toàn nói.

Giữ hồn Tết Việt

Đã nhiều năm đi cho chữ đầu xuân, thầy đồ Nguyễn Đình Kế (TP Hải Dương), thành viên Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh cho rằng cũng là chữ viết trên giấy nhưng vẻ đẹp cổ kính của chữ thư pháp thể hiện mong ước lớn lao của người xin chữ, đồng thời thể hiện được đức, tài của ông đồ. Mỗi chữ đều có nghĩa riêng, phải hiểu ý thâm sâu của chữ thì mới nên xin.

Ví như chữ “Nhẫn”, khi viết bao gồm chữ “Đao”, cây đao ở trên chữ “Tâm”. Chữ “Đao” biểu trưng cho kỷ luật, trạng thái nhẫn cũng giống như bị dao đâm vào tim, tuy đau đớn nhưng vẫn chịu đựng, nó nhắc nhở người ta không được hành xử hấp tấp, vội vàng vì như thế sẽ làm mũi dao lún sâu hơn.

“Phải hiểu được những ý nghĩa sâu xa, ấy mới là người biết chơi chữ. Còn với những người làm nhiệm vụ cho chữ như chúng tôi, không cầu tiền bạc, danh vọng, mà cốt mong góp phần công sức nho nhỏ của mình gìn giữ, lưu truyền một nét đẹp văn hóa của dân tộc”, thầy Kế nói.

Một tín hiệu vui là ngày nay trên chiếu chữ xuất hiện khá nhiều thầy đồ trẻ, người xin chữ có một lượng lớn là học sinh, sinh viên. Em Dương Văn Hải (TP Hải Dương) cho biết: "Năm nay em thi vào đại học nên rất muốn về Văn miếu Mao Điền để xin được chữ “Đăng Khoa”. Vì em không biết chữ Hán nên em xin thầy viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ để treo lên góc học tập. Em hy vọng mỗi lần nhìn vào chữ này, em có động lực để học tập hơn".

Thực tế, trước đây thư pháp chủ yếu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm nhưng nhiều năm trở lại đây chữ quốc ngữ cũng được cách điệu để viết thư pháp. Mỗi loại chữ có nét đẹp riêng đều là những tinh hoa giúp chữ thư pháp thêm phần bay bổng, mới mẻ, sáng tạo và mang đậm nét Việt hơn.

Đó cũng là cách giúp những người trẻ dễ dàng tiếp nhận, nhưng rõ ràng dù ở thể loại chữ nào thì thư pháp vẫn phải giữ được cái hồn thiêng, cốt cách của chữ nghĩa và đều hướng đến những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp. Với những tín hiệu vui như hiện tại, hy vọng rằng lối chơi thư pháp cũng như tục xin chữ đầu năm sẽ tiếp tục được lưu truyền.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thú chơi thư pháp ngày xuân