Thú chơi tao nhã ngày Xuân

02/02/2022 07:11

Vào mỗi dịp xuân sang Tết đến, cùng với việc du xuân, thăm người thân, bạn bè, không ít người lựa chọn cho mình một thú chơi truyền thống, tao nhã.


Xin chữ - một tục lệ đẹp ngày xuân tại chợ hoa xuân ở TP Hải Dương (ảnh tư liệu)

Người chọn chơi chữ, người chọn chơi tranh, người lại chọn chơi hoa cây cảnh… Cứ như thế, theo dòng thời gian, những thú chơi tao nhã ngày Xuân ấy đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người Việt, được các thế hệ duy trì, nối tiếp và phát huy.

Ước vọng ngày Xuân qua từng nét chữ

“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thú vui tao nhã là xin chữ ngày xuân, chứa đựng những ước vọng về một năm mới thuận hòa, may mắn và bình an đến với mỗi người và mỗi gia đình. Đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, bắt nguồn từ sự hiếu học, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt.

Xưa, người cho chữ phải là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học hoặc những người đỗ đạt, “có danh gì với núi sông”. Chữ được viết theo kiểu thư pháp, thường là chữ Nho và có thể viết theo nhiều cách trên nền giấy đỏ. Mỗi chữ hiện ra dưới tay các thầy đồ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp, mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Người xin chữ thường ở mọi lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề. Mỗi chữ được cho ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm, tâm tư, mong ước hay một ý niệm nhất định. Nhưng thường là xin các chữ: Phúc, Lộc, Thọ, An Khang, Cát Tường, Như Ý... để cầu mong sự bình yên cho gia đình, con cháu. Người buôn bán thì xin chữ Phát, Lộc, Tài, Vượng… với mong muốn công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Những người trẻ phấn đấu thường xin chữ: Chí, Thành, Đạt, Đắc, Nhẫn… để mong muốn luôn bền gan, vững chí vượt qua khó khăn, đạt được những mục tiêu đã đề ra trong cuộc sống; các cháu nhỏ thường được bố mẹ xin cho các chữ: Học, Hiếu, Lễ, Nghĩa, Tiến… với mong muốn con mình lớn lên là những người con hiếu thảo của gia đình, thành công dân có ích cho xã hội…

Khi xin được câu đối hay con chữ như ý, người chơi đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, linh ứng nhất, dễ nhìn thấy nhất. Đó chính là một nét văn hóa tinh tế, đáng quý của truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Tranh Tết - nơi lưu giữ một phần hồn Việt

"Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc" là những thú chơi tao nhã trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt xưa. Chơi tranh ngày Tết là thú chơi đa dạng, muôn hình muôn vẻ, tùy theo phong tục tập quán của địa phương, cũng như địa vị, phẩm hàm trong xã hội của chủ nhân. Tương truyền, tập quán chơi tranh ngày Tết xuất hiện vào khoảng thời Lý (1010-1225) và thời Trần (1225-1400). 

Thường sau ngày ông Công ông Táo, dù là nhà giàu hay nhà nghèo, mọi người cũng đều đi chợ mua những bức tranh Tết, với hy vọng đón vinh hoa, phú quý về nhà và gỡ tranh cũ xuống treo tranh mới lên với hàm ý “Tống cựu, nghênh tân”. Tranh Tết dân gian rất đa dạng về thể loại như tranh tín ngưỡng, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh châm biếm, tranh phong cảnh... 

Phần lớn các gia đình nông thôn thường treo các bức tranh dân gian nhỏ, giá cả phải chăng, thuộc nhiều đề tài để bày tỏ đồng thời nhiều ước vọng. Ở gian thờ cúng tổ tiên, các gia đình treo tranh mâm ngũ quả. Ngoài cổng, mọi người thường dán hai bức tranh, một bên là ông Tiến tài, một bên là ông Tiến lộc, với mong muốn đón nhiều tài lành, phúc ấm cho gia chủ. Trong nhà, mọi người thường treo, dán tranh dân gian Đông Hồ hay Kim Hoàng với những đề tài được ưa chuộng trong dịp Tết, như: tranh “Mẹ con đàn gà”, “Mẹ con đàn lợn”; tranh “Vinh hoa”, “Phú quý”; tranh “Gà trống” sặc sỡ và oai vệ…

Đối với gia đình ở thành phố, việc treo tranh, chơi tranh không đơn giản chỉ là chơi cho có không khí Tết, mà bức tranh còn đồng thời là vật trang trí để kiến tạo nên một không gian sang trọng, chứng tỏ lễ giáo gia phong của gia đình. Chính vì vậy, họ thường chọn treo tranh Hàng Trống với những bức như: tranh “Tố nữ” thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, mới mẻ và thân thuộc giữa con người với thiên nhiên; tranh “Tứ quý” thể hiện ước vọng 4 mùa xuân-hạ-thu-đông luôn tràn ngập âm thanh vui tươi; tranh “Lý ngư vọng nguyệt” với mong muốn đỗ đạt, như cá chép vượt vũ môn hóa rồng...

Bên cạnh những bức tranh Tết mang đậm sắc thái văn hóa, lịch sử, tâm linh, mọi người cũng có thể dành vị trí trang trọng trong nhà để đón chào năm mới bằng những bức vẽ hình con giáp đại diện cho năm sắp tới. Chính thế, tranh Tết trở thành một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa và nay.

HOÀNG YẾN

(0) Bình luận
Thú chơi tao nhã ngày Xuân