Thông điệp thầm thì từ dòng sông

12/01/2020 08:13

Một dòng sông tuổi nhỏ trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng thật sự đã ám ảnh tôi, bâng khuâng và đong đầy kỷ niệm, nhưng cũng day dứt không nguôi.

Cuối năm là thời khắc dễ làm tâm hồn con người bồi hồi tưởng tiếc, tắm gội quá khứ để được sống trọn vẹn trong yêu thương hoài niệm. Thơ ca thường là dòng chảy của ký ức dội về sâu thẳm, quặn thắt và bùng vỡ mãnh liệt nhất để thi nhân nghe lở bồi dâu bể của đời sống hiện thực dội vào tâm can mà ngân lên lời thơ tha thiết. Một dòng sông tuổi nhỏ trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng thật sự đã ám ảnh tôi, bâng khuâng và đong đầy kỷ niệm, nhưng cũng day dứt không nguôi như chính cõi lòng anh đang khao khát trở về vùng ánh sáng xa xưa.

Bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn, giọng điệu nhẹ nhàng như từng lớp sóng dịu êm thầm thì gọi qua nỗi nhớ. Hình ảnh thơ trong sáng, tự nhiên, lan tỏa theo từng khung tranh sống động bằng sự điểm xuyết tinh tế và có chủ ý của tác giả. Tiếng dế, mây chiều, hạt phù sa, râu bắp, nắng vàng, ngàn dâu, con trâu… và cuối cùng là hình ảnh cha mẹ thong dong ngồi câu, gội tóc nơi dòng sông quê hương hiền hòa, thơ mộng. Chỉ có khổ thơ cuối bài là tiếng gọi lòng của thi nhân qua con sóng thầm thì ngậm ngùi nghe thật da diết. Một câu hỏi tu từ “Ai còn ở, ai đi?” như nỗi khắc khoải không nguôi về nỗi đời ly biệt. “Cuối năm bên dòng sông tuổi nhỏ” là một bài thơ man mác buồn về phận người, về dòng đời trôi dạt, về sự phôi pha trước thời gian vô thủy vô chung nhưng cũng thật trong sáng, dễ thương. Tứ thơ không mới, nhưng tình thơ lại dạt dào, hồn thơ nhân hậu và đầy ắp yêu thương nên thi phẩm dễ neo sâu vào lòng bạn đọc. 

Khổ thơ đầu ám ảnh chúng ta qua hình ảnh tiếng dế kêu “xanh triền cỏ”. Tiếng dế đánh thức lòng thi nhân hay trước dòng sông tuổi thơ hồn người đã gọi về tiếng dế? Quả vậy, tiếng dế như một ký ức đẹp mà tuổi thơ hồn nhiên dường như ai cũng trải qua, thấu hiểu và trải nghiệm. Dòng sông đang gọi đôi bờ, lòng thi nhân cũng gọi về những kỷ niệm mù khơi, tất cả vun đắp, tụ bồi cho muôn ngàn kỷ niệm xanh mơ vọng về thăm thẳm: “Bên dòng sông tuổi nhỏ/Bâng khuâng sóng gọi bờ/Dế kêu xanh triền cỏ/ Mây trắng chiều ngẩn ngơ”.

Nếu bốn câu thơ mở đầu là không gian rộng lớn, nên thơ của dòng sông, triền cỏ, mây trắng ngẩn ngơ trước mắt thi nhân thì khổ thơ thứ hai là nỗi niềm suy tư, suy cảm của tác giả về sự thế vô thường, nổi chìm được mất qua hình tượng “giấc mơ bèo bọt”, “hạt phù sa trộn cát”. Với Nguyễn Ngọc Hưng, cái sự thế “bèo bọt” kia là để người với người yêu nhau và gắn bó thêm hơn. Cái đẹp và sự hữu ích của hạt phù sa rồi cũng hòa trộn vào cát, tan vào đất đai vĩnh cửu. Mới hay, sự tồn sinh, trôi dạt và chuyển hóa cho nhau là quy luật của vạn vật trên cõi đời này. Có lẽ chính triết lý ấy đã tạo cho khổ thơ thứ hai chất giọng thâm trầm và đầy khắc khoải: “Bao giấc mơ bèo bọt/Nổi chìm tận đâu đâu/Hạt phù sa trộn cát/Lặng tan vào đất nâu”. 

Đến khổ thơ thứ ba, không gian của dòng sông tuổi thơ chiều cuối năm trở về vẻ đẹp nên thơ và trong sáng xanh mát bãi bờ. Sức sống diệu kỳ của cỏ cây, hoa lá bừng lên thật mãnh liệt. Các động từ “phun”, “trổ” của bắp; các tính từ “tươi thắm”, “xanh biếc” của nắng vàng và ngàn dâu non tơ đã mở ra một bức tranh quê thanh bình, yên ả sau mùa “gió mưa dầu dãi”. Tôi nghĩ sự đắp bồi, ân nghĩa, thủy chung sâu nặng có lẽ là một tư tưởng thường trực trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng, dù điều đó đôi khi chỉ thảng hoặc trong những dòng thơ nhẹ nhàng, bình dị: “Thương gió dầu mưa dãi/Bắp phun râu trổ cờ/Nắng vàng tươi thắm lại/Xanh biếc ngàn dâu tơ”. Cây cỏ được trở về sức sống và vẻ đẹp nhiệm mầu của nó sau thời tiết gió mưa lạnh lẽo, cũng như sau tháng ngày tất bật cày cấy vun trồng, cha mẹ được thong dong, an yên trong khoảnh khắc thời gian cuối năm nghe thật ấm lòng. Tuy điểm xuyết hình tượng, nhưng Nguyễn Ngọc Hưng đã làm cho bức tranh quê hương nơi có dòng sông tuổi thơ bừng lên một tình yêu tha thiết, một khúc điệu thanh bình mà bất kỳ ai đi xa đều thương nhớ vọng về: “Sau vụ mùa tất bật/ Đủng đỉnh cha ngồi câu/Mẹ thong dong gội tóc/ Nước vỗ về lưng trâu…”.

Khổ cuối bài thơ quay lại giọng điệu bùi ngùi, tưởng tiếc về sự chia xa, trôi dạt trước vô cùng thời gian của mỗi phận người. Vì thế, thông điệp của dòng sông tuổi thơ cũng chính là dòng sông đời người với biết bao lở bồi, dâu bể. Chỉ có kỷ niệm vẫn xanh non, bồi hồi trong ký ức, mãi mãi gọi về năm tháng xa xưa: “Bạn bè thời thơ ấu/Ai còn ở, ai đi?/Ngậm ngùi con sóng vỗ/Như tiếng xưa thầm thì!”.

“Cuối năm bên dòng sông tuổi nhỏ” của Nguyễn Ngọc Hưng khơi gợi nhiều ký ức đẹp đẽ trong mỗi chúng ta khi thao thiết nhớ về một khoảng trời thơ dại. Từ ngôn ngữ, giọng điệu đến tình ý, cảm xúc… tất cả hòa điệu cùng tiếng lòng của thi nhân khi hoài niệm về một miền quê yêu dấu, những người thân ruột thịt và bạn bè tuổi dại. Điều đó mãi mãi không bao giờ phai dấu, dù thời gian vốn dĩ vô thường, bôi xóa những gì yêu ái nhất trong mỗi chúng ta.

LÊ THÀNH VĂN

Cuối năm bên dòng sông tuổi nhỏ

Bên dòng sông tuổi nhỏ
Bâng khuâng sóng gọi bờ
Dế kêu xanh triền cỏ
Mây trắng chiều ngẩn ngơ.

Bao giấc mơ bèo bọt
Nổi chìm tận đâu đâu
Hạt phù sa trộn cát
Lặng tan vào đất nâu.

Thương gió dầu mưa dãi
Bắp phun râu trổ cờ
Nắng vàng tươi thắm lại
Xanh biếc ngàn dâu tơ.

Sau vụ mùa tất bật
Đủng đỉnh cha ngồi câu
Mẹ thong dong gội tóc
Nước vỗ về lưng trâu…

Bạn bè thời thơ ấu
Ai còn ở, ai đi?
Ngậm ngùi con sóng vỗ
Như tiếng xưa thầm thì!

NGUYỄN NGỌC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông điệp thầm thì từ dòng sông