“Thông điệp cuối năm” của Tổng thống Nga V.Putin

21/12/2019 08:56

Trong cuộc họp báo lớn thường niên kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ vào ngày 19.12, Tổng thống Putin đã trả lời rõ ràng các câu hỏi liên quan đến hầu như tất cả các lĩnh vực...


Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi họp báo cuối năm

Cuộc họp báo thường niên khép lại năm 2019 của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung tâm Thương mại quốc tế ở thủ đô Moskva đã diễn ra với sự tham dự kỷ lục của 1.895 phóng viên đại diện các cơ quan truyền thông đại chúng trong nước và quốc tế.

Trong cuộc họp báo lớn thường niên kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ vào ngày 19.12, Tổng thống Putin đã trả lời rõ ràng các câu hỏi liên quan đến hầu như tất cả các lĩnh vực đối nội và đối ngoại của nước Nga, và theo đánh giá, đã giải tỏa mọi khúc mắc trong cuộc họp báo lớn cuối năm này. Cuộc họp báo được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình lớn của Nga như “Rossia 1”, “Rossia 24”, “Kênh 1”, NTV và ORT. Đây cũng là cuộc họp báo lớn truyền thống thứ 15 của Tổng thống Putin.

Để ngỏ khả năng sửa đổi hiến pháp

Tại cuộc họp báo thường kỳ cuối năm, Tổng thống Nga Putin cho biết ông để ngỏ khả năng sửa đổi hiến pháp Nga, trong đó có các đề xuất mở rộng quyền lực của quốc hội và hạn chế số nhiệm kỳ tổng thống.

Phát biểu trước 1.895 nhà báo, ông Putin tuyên bố ông để ngỏ ý tưởng sửa đổi hiến pháp khi đề cập đến quyền lực quốc hội và các cơ quan dưới quyền điều hành của tổng thống và thủ tướng. Mặc dù vậy, ông Putin cho rằng Nga sẽ có bước đi thận trọng. Tổng thống Putin nói: "Chỉ có thể thực hiện điều này (những thay đổi) sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng và một cuộc thảo luận sâu rộng trong xã hội".

Tổng thống Putin cho biết ông để ngỏ khả năng loại bỏ những hạn chế liên quan nhiệm kỳ tổng thống, cho rằng những giới hạn này có thể được thay đổi để hạn chế năng lực của bất cứ ai đảm nhận hơn 2 nhiệm kỳ. Ông nói: "Một điều có khả năng được thay đổi về những nhiệm kỳ của tổng thống này, đó là loại bỏ điều khoản về nhiệm kỳ liên tiếp...".

Nhấn mạnh tầm quan trọng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động bảo vệ lãnh thổ

Trả lời câu hỏi của phóng viên mạng tin tức Gazeta.Ru, về vai trò và vị thế của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ở Nga hiện nay, Tổng thống Nga Putin cho rằng, Nga đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực này.

Ông Putin tiết lộ, công nghệ AI đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống như ngân hàng, chế tạo máy bay không người lái, sản xuất ô-tô...

Theo đó, các sản phẩm ô tô không người lái như Yandex và KamAZ của Nga đang được ứng dụng trong đời sống hàng ngày và đã vượt qua mốc 1 triệu km di chuyển thực tế.

Ông Putin khẳng định, AI cũng sẽ ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh, và tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. AI là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong tiến trình phát triển của Nga. Một dự án quốc gia trong lĩnh vực này đang được triển khai và các nguồn lực cần thiết đã được phân bổ.

Theo ông Putin, phát triển công nghệ AI có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi vì với lãnh thổ rộng lớn và dân số tương đối ít (146 triệu người), nếu Nga không đi theo hướng phát triển này thì sẽ không thể bảo vệ được lãnh thổ.

Ông Putin thừa nhận, Nga đang phải đối mặt với vấn đề nhân khẩu học. Tỷ lệ sinh tự nhiên đang có xu hướng giảm, trong khi các biện pháp di cư và di dân cũng gặp trở ngại bởi những vấn đề văn hóa-xã hội phát sinh từ những dòng người di cư.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, nền kinh tế đòi hỏi một dòng người nhập cư, và việc thiếu hụt lao động di cư với trình độ phù hợp là một yếu tố khách quan kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của đất nước. Để giải quyết vấn đề này, Nga cần phải có cách tiếp cận mang tính hệ thống.

Đề cao bước phát triển của ngành nông nghiệp

Tình hình kinh tế-xã hội là chủ đề được đề cập nhiều trong cuộc họp báo. Trước những câu hỏi về tình hình kinh tế Nga trước sức ép của các lệnh trừng phạt, ông Putin cho rằng nền kinh tế Nga đã thích nghi và đứng vững được trước những cú sốc từ bên ngoài.

Đồng rúp đã trở nên ổn định hơn, điều này góp phần giúp nền kinh tế Nga không quá phụ thuộc vào thị trường dầu. Các Quỹ dự trữ và Quỹ phúc lợi quốc gia đều tăng trưởng và 20% tiền trong Quỹ phúc lợi xã hội được đưa vào nền kinh tế. Trong số này, 8% được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng trực tiếp quy mô lớn.

Tổng thống Vladimir Putin đặc biệt đề cao bước phát triển của ngành nông nghiệp, đưa Nga trở thành nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, vượt cả Mỹ và Canada. Năm 2019, chỉ số sản xuất nông nghiệp của nước Nga tăng 2% so với năm 2018. Sản lượng ngũ cốc của Nga đã tăng lên 120 triệu tấn trong năm nay so với mức 113,3 triệu tấn năm trước.

Dự kiến xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Nga sẽ đạt giá trị 24-25 tỷ USD trong năm nay. Theo ông, chính câc biện pháp trừng phạt đã giúp Nga phát triển nông nghiệp, đầu tư nhiều tiền cho sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu, có thể chế tạo các động cơ tàu biển và máy bay trực thăng mà trước đây chưa có.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tốt hơn vẫn là không đưa các quyết định mang động cơ chính trị vào nền kinh tế, vì điều này đang gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, khi Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Nga, chính châu Âu cũng bị thiệt hại to lớn vì không chỉ mất tiền mà còn mất chỗ làm, đồng thời mất chỗ đứng tại thị trường Nga.

Đặc biệt, khi trả lời câu hỏi liên quan tới Liên bang Xô-viết, Tổng thống Putin nêu rõ theo quan điểm của ông, Nga có quyền tự hào về quá khứ Xô-viết và những thành tựu vẻ vang của Liên Xô.

Nga quan tâm tới việc phát triển quan hệ với Mỹ

Trả lời câu hỏi về quan hệ với Mỹ, Tổng thống Putin cho biết Nga quan tâm tới việc phát triển quan hệ với Mỹ và sẽ làm điều này bất kể những gì đang diễn ra tại Nhà Trắng hoặc Quốc hội Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới được Quốc hội Mỹ thông qua đối với các công ty làm việc với đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 "chắc chắn" sẽ làm ảnh hưởng tới quan hệ hai nước, đồng thời Nga sẽ đáp trả tương xứng. Phát biểu họp báo cuối năm, Tổng thống Putin khẳng định: "Chắc chắn, các biện pháp trừng phạt sẽ làm ảnh hưởng tới quan hệ Nga-Mỹ. Ngoài ra, ông cũng cho biết Nga sẽ đưa ra các biện pháp có đi có lại.

Nhận định về cuộc luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Putin tin tưởng Tổng thống Mỹ sẽ vượt qua tiến trình luận tội. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ cuối năm ở Moskva, ông Putin cho rằng các cáo buộc chống lại ông Trump là "bịa đặt", dựa trên "những bằng chứng giả mạo", đồng thời bày tỏ tin tưởng Thượng viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số, sẽ không phế truất ông Trump khỏi vị trí lãnh đạo nước Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng không chắc chắn liệu cuộc điều tra luận tội này có đặt dấu chấm hết cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump hay không, song ông hy vọng ông Trump sẽ vượt qua tiến trình luận tội này.

Liên quan đến tương lai của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (hay còn gọi là START-3) sắp hết hạn , Tổng thống Nga khẳng định một cuộc chạy đua vũ trang mới chắc chắn sẽ xảy ra nếu hiệp ước trên không được gia hạn.

Ông Putin một lần nữa nhắc lại Nga sẵn sàng gia hạn START-3 mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào, nhưng Moskva tới nay chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào của Mỹ. START 3 sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Nga nhiều lần cảnh báo Mỹ rằng việc từ chối gia hạn START mới sẽ gây thêm nhiều hiểm họa và bất ổn cho an ninh thế giới.

Nga muốn bình thường hóa quan hệ với châu Âu

Tổng thống Nga Putin khẳng định, Moskva mong muốn bình thường hóa các mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) bởi các lệnh trừng phạt kinh tế đều gây hại cho cả hai bên. Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên cuối năm, ông Putin nhấn mạnh: "Về mặt nguyên tắc, chúng tôi mong muốn bình thường hóa toàn diện".

Ông Putin lưu ý rằng, hiện có những đánh giá cho rằng thiệt hại do các lệnh trừng phạt của Nga đối với EU đã lên tới 50 tỷ USD. Tổng thống Nga cũng thừa nhận, Moskva hiện gánh chịu những thiệt hại từ các lệnh trừng phạt song những hành động này đang giúp phát triển một số lĩnh vực kinh tế trong nước, đặc biệt là nông nghiệp.

Cũng theo ông Putin, nền kinh tế và đồng tiền quốc gia của Nga không bị ràng buộc với thị trường dầu mỏ toàn cầu, trong khi tình hình kinh tế trong nước ngày càng có khả năng đương đầu với những thách thức bên ngoài.

Khẳng định sự hợp tác tin cậy Nga-Trung

Trả lời câu hỏi về quan hệ Nga-Trung, Tổng thống Putin cho biết điều 2 nước đạt được trong những năm gần đây không phải là các con số và lĩnh vực hợp tác mà là mức độ tin cậy chưa từng có. Theo ông, quan hệ Nga-Trung là một yếu tố ổn định quốc tế, song khẳng định Nga không thiết lập liên minh quân sự với Trung Quốc, dù quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước phát triển. Ông Putin cũng chỉ ra rằng trong khu vực đang hình thành một liên minh khác - đó là liên minh của Nhật Bản-Mỹ-Hàn Quốc.

Về vấn đề Ukraine, trả lời câu hỏi về Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy bao gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức về Ukraine diễn ra tại Paris, Pháp, mới đây, Tổng thống Nga khẳng định không thể thay thế các thỏa thuận Minsk. Điều quan trọng nhất trong các thỏa thuận này là Luật về qui chế đặc biệt cho Donbass, miền Đông Ukraine.

Ngoài ra ông Putin cho rằng Kiev cũng cần đối thoại trực tiếp với vùng đòi độc lập Dobass nhằm khôi phục hòa bình, điều chưa được thực hiện. Tổng thống Putin cho biết trong các thỏa thuận Minsk có điểm nói về việc rút lính đánh thuê, quân đội nước ngoài và về việc đóng cửa biên giới. Nhưng chỉ sau khi quyền của các nước cộng hòa (tự xưng) được đảm bảo.

Ông cũng khẳng định quân đội Nga không hiện diện ở đó. Ông cho rằng chính quyền Ukraine cần thay đổi cách tiếp cận sai và không thể giải quyết vấn đề này bằng vũ lực. Tổng thống Putin cũng loại trừ mọi khả năng sửa đổi các thỏa thuận ngừng bắn đã soạn thảo tại Minsk , Belarus, năm 2015 và bày tỏ sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán trong khuôn khổ nhóm bộ Tứ Normandy.

Tiếp tục duy trì hoạt động vận chuyển khí đốt qua Ukraine

Đề cập tiếp đến vấn đề chuyển tải khí đốt Nga qua Ukraine, Tổng thống Putin khẳng định sẽ tiếp tục chuyển tải khí đốt qua Ukraine, vấn đề là khối lượng chuyển tải bao nhiêu và thời hạn hợp đồng bao lâu. Ông Putin cũng cho biết sẵn sàng bán cho Ukraine khí đốt với giá rẻ.

Ông cho rằng Nga và Ukraine sẽ đạt được thỏa thuận khí đốt để duy trì hoạt động vận chuyển khí đốt cho châu Âu đi qua lãnh thổ Ukraine và Nga không muốn làm trầm trọng hơn tình hỉnh.

Tổng thống Nga Putin cho biết hành trình vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đến châu Âu dài hơn và tốn kém hơn. Đồng thời nói thêm rằng Mỹ nên hỗ trợ tài chính cho Ukraine nếu Kiev cần trợ giúp, thay vì phản đối các dự án khí đốt của Nga.

Từ năm 2011, đường ống dẫn khí đốt mang tên "Dòng chảy Phương Bắc 1" dưới lòng Biển Baltic đã đi vào hoạt động, và chuyển 55 tỷ m3 khí/năm từ Nga, đi qua lãnh thổ Ukraine để đến Đức.

Trong khi đó, đường ống mang tên "Dòng chảy Phương Bắc 2" dự kiến sẽ bắt đầu vận hành từ giữa năm 2020, với công suất dự kiến cao gấp đôi. Hiện Nga và Ukraine vẫn chưa xúc tiến cuộc đàm phán về việc ký kết một thỏa thuận mới về trung chuyển khi đốt qua Ukraine, trước khi thỏa thuận hiện tại hết hiệu lực vào cuối tháng 12. Do đó, xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ nhiều nước ở Liên minh châu Âu thiếu năng lượng trong mùa Đông này.

Chuyển sang vấn đề nhà nước liên minh và mối quan hệ với Belarus, Tổng thống Nga cho biết việc thành lập nhà nước liên minh là đúng đắn, song có những quyết định được thông qua vẫn chưa được thực hiện. Belarus được mua khí đốt với giá thấp nhất trong tất cả các đối tác của Nga. Giá bán khí đốt cho Belarus chỉ bằng 1/4 giá bán khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên Nga không thể trợ cấp hoàn toàn cho nền kinh tế Belarus.

Nỗ lực hết sức để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định "không ai biết" nguyên nhân của biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời cho rằng biến đổi khí hậu có thể là một tiến trình vũ trụ học. Tuyên bố trên dường như đặt nghi vấn về việc liệu sự nóng lên của Trái Đất có phải do con người gây ra hay không.

Trả lời báo giới trong cuộc họp báo thường niên cuối năm, ông Putin nói: "Chúng ta đều biết rằng trong lịch sử Trái Đất, có những thời kỳ nóng lên và lạnh đi, và điều đó phụ thuộc vào các quy trình của vũ trụ".

Tổng thống Nga cho rằng sự thay đổi trục quay của Trái Đất hoặc quỹ đạo của nó xoay quanh Mặt Trời cũng có thể khiến hành tinh của chúng ta đối mặt với những thay đổi nghiêm trọng về khí hậu. Tuy nhiên, ông Putin thừa nhận biến đổi khí hậu là vấn đề lớn và "chúng ta phải nổ lực tối đa để bảo đảm khí hậu sẽ không thay đối tới mức tham họa".         

Ông Putin cũng thừa nhận mức tăng nhiệt độ ở Nga cao hơn 2,5% so với các nơi khác trên thế giới và đây là vấn đề rất nghiêm trọng của Nga, dù mức khí thải của Nga thấp hơn một số nước phương Tây. Tổng thống Putin tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để giảm thiểu các tác động của biến đối khí hậu đối với nước Nga.

Quyết định loại Nga khỏi tất cả các sự kiện thể thao lớn của WADA là không công bằng

Tại cuộc họp báo lớn thường niên lần thứ 15, phóng viên Match TV đã hỏi Tổng thống Nga Putin về vấn đề  Ủy ban điều hành Cơ quan chống doping thế giới (WADA) quyết định loại Nga khỏi tất cả các sự kiện thể thao lớn, Tổng thống Putin cho rằng quyết định này không chỉ không công bằng, mà còn không phù hợp với luân thường và luật pháp. Ngoài ra, quyết định của WADA còn trái với Hiến chương Olympic và mang màu sắc chính trị.

Với các vấn đề được nhà lãnh đạo Nga đưa ra, cuộc họp báo được đánh giá là đã chuyển một thông điệp rõ ràng về tình hình nước Nga năm 2019 cũng như chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo Nga. Mặc dù đang phải đối mặt với vô số khó khăn, thách thức nhưng nước Nga dưới sự chèo lái của Tổng thống Vladimir Putin đã vượt qua mọi khó khăn để lấy lại vị thế và giành lại được tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Thông điệp cuối năm” của Tổng thống Nga V.Putin