Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 yêu cầu khẩn trương thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ Đề án 06.
Chiều 21/10, tại Hà Nội, Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã tổ chức cuộc họp tháng 10.
Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 chủ trì cuộc họp.
Tham dự tại điểm cầu Hải Dương có đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ Phó Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; lãnh đạo và cán bộ tham mưu Đề án 06 nhiều sở, ngành.
Phát biểu kết luận, đồng chí Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang ghi nhận, đánh giá cao sự quyết tâm vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 06 trong thời gian tới, Bộ trưởng Lương Tam Quang đề nghị các bộ, ngành liên quan phải ưu tiên mọi nguồn lực, tập trung trí tuệ, khẩn trương hoàn thành những điều kiện để trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành các luật mới, sớm sửa đổi các nghị định không phù hợp; khẩn trương sửa đổi, ban hành các thông tư thay thế các thông tư cũ cho phù hợp với yêu cầu phát triển, tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai thực hiện Đề án 06.
Theo báo cáo tại cuộc họp, trong tháng 10 đã hoàn thành thêm 2 thủ tục: Điều chỉnh thông tin về cư trú và Nhóm thủ tục kiểm tra, xét duyệt nhân sự, cấp phép nhập cảnh cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Đến nay, đã cung cấp 45/76 dịch vụ công.
Về lĩnh vực ngân hàng đã có 40,7 triệu hồ sơ khách hàng được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip (tại quầy và qua ứng dụng). 29 tổ chức tín dụng và 13 trung gian thanh toán đang triển khai ứng dụng VNeID cho 03 luồng quy trình nghiệp vụ chính, gồm: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng.
Về phát triển công dân số, toàn quốc đã cấp 9,8 triệu thẻ Căn cước cho công dân dưới 16 tuổi, trong đó: 3,3 triệu trường hợp dưới 6 tuổi; 6,5 triệu trường hợp trên 6 tuổi. Cấp 260 giấy chứng nhận căn cước. Đã thu nhận tổng số 547 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ.
Về cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VneID, đã có 9 địa phương triển khai chính thức cấp phiếu lịch Tư pháp trên VNeID, gồm: TP Hà Nội; Thừa Thiên Huế; Bắc Ninh; Hà Nam; Hải Phòng; Nghệ An; Khánh Hòa; Sóc Trăng; Thanh Hóa.
Về sổ sức khỏe điện tử trên VNeID: Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn cấp tài khoản liên thông và hướng dẫn liên thông dữ liệu trên VNeID. Đã có 14 địa phương ban hành kế hoạch triển khai; 13 địa phương xây dựng xong kế hoạch hiện đang xin ý kiến các sở, ngành; 26 địa phương đang xây dựng Kế hoạch. Trong quá trình triển khai, có 24 địa phương phát sinh khó khăn, vướng mắc liên quan. Đến nay, đã có gần 15 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Đối với dữ liệu hộ tịch, đã có 14 địa phương: Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Khánh Hòa, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hải Dương, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Thuận, Bạc Liêu, Hà Nam, Cà Mau, Đắk Nông hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch với 111,5 triệu dữ liệu, trong đó có 17,1 triệu dữ liệu được số hóa trên nền dân cư (chiếm 15,39%). 20 địa phương cơ bản hoàn thành, đang hoàn tất việc đẩy dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Đối với kết quả số hóa dữ liệu đất đai, đã hoàn thành số hóa trên 46 triệu thửa đất tại 461/705 huyện trên toàn quốc. Hiện Cơ quan Thường trực đang phối hợp với Bình Dương và Đồng Nai triển khai kế hoạch cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực cư trú, đất đai.
Đối với dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, trong tháng 10/2024, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với 36 Bộ, ngành và 63 địa phương kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức viên chức với 2,3 triệu hồ sơ. Đối khớp 1,1 triệu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.