CPTPP - Cơ hội nhưng cũng đầy thách thức

02/11/2018 15:47

Gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức.




CPTPP là một Hiệp định thương mại thế hệ mới nó không chỉ đề cập đến thương mại đơn thuần mà còn đề cập đến các vấn đề về lao động, môi trường, cải cách thể chế. Hơn nữa, Hiệp định này quy định nhiều cơ chế thương mại mới như cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài với chính phủ nước sở tại thông qua trọng tài thương mại của các tổ chức quốc tế, thay vì trọng tài thương mại ở chính nước tiếp nhận đầu tư. Việt Nam với tư cách là quốc gia có nền kinh tế thị trường non trẻ nhất và là một trong những nước có trình độ phát triển kinh tế thấp nhất trong số các nước tham gia CPTPP nên chúng ta sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn sau đây:

Một là, phải xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước; phải đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc chặt chẽ. Theo khoản 2, điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định hai phương thức để xử lý mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Nếu các quy định của điều ước quốc tế đã rõ ràng, đủ chi tiết để thực hiện thì Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ có quyền quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó. Tôi mong muốn Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội có thông báo cụ thể về những nội dung nào có thể áp dụng trực tiếp để các đại biểu nắm được, cùng việc phê chuẩn thì Quốc hội có thể quyết định luôn những nội dung của CPTPP có thể áp dụng trực tiếp ở nước ta. Trong trường hợp các quy định của Hiệp định không thể áp dụng trực tiếp thì phải dùng phương thức thứ hai là “nội luật hóa”, tức là ban hành luật mới hoặc chỉnh sửa pháp luật hiện hành để tổ chức thực hiện. Tôi cho rằng, các vấn đề phi truyền thống được quy định trong CPTPP đều là những vấn đề mới đối với nước ta. Chẳng hạn, việc quy định thành lập các tổ chức của người lao động ở cơ sở bên cạnh tổ chức công đoàn là vấn đề tương đối mới và nhạy cảm, đòi hỏi phải sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn thì mới có thể thực hiện được. Thời gian qua Chính phủ đã rất cố gắng rà soát các văn bản pháp luật trong nước để thực hiện “nội luật hóa” các quy định của CPTPP. Ước tính có khoảng 8 luật phải sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa có chương trình cụ thể để sửa đổi những luật này. Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện CPTPP không nhất thiết phải ngay lập tức mà theo lộ trình. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tính toán dài hạn cho việc “nội luật hóa” mà để “nước đến chân mới nhảy” thì sẽ không tốt. Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ việc “nội luật hóa” khi gia nhập WTO. Mặc dù khi đó chúng ta đã rất cố gắng, nhưng vẫn có những hạn chế phát sinh và cần rút kinh nghiệm, chẳng hạn sửa đổi pháp luật trong nước quá chậm dẫn đến lúng túng khi giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư, hoặc sửa đổi luật trong nước quá mạnh mẽ dẫn đến thiệt thòi cho các doanh nghiệp nội địa.

Hai là, xử lý mâu thuẫn giữa pháp luật trong nước với quy định của CPTPP (nếu có). Khoản 1 điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”. Như vậy, trật tự ưu tiên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Điều ước quốc tế là: Hiến pháp – Điều ước quốc tế - Các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong điều kiện tính tương thích của hệ thống pháp luật nước ta với các quy định của CPTPP còn hạn chế thì việc sửa đổi pháp luật trong nước là công việc có khối lượng tương đối lớn, chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Chính vì vậy, giải pháp ở đây là:

- Trong dài hạn cần tiến hành “nội luật hóa” các quy định của CPTPP như tôi đã trình bày ở trên;

- Trong ngắn hạn, để tránh các vụ kiện của nhà đầu tư nước ngoài đối với Chính phủ và chính quyền địa phương, cần tuyên truyền cho các cấp chính quyền hiểu sâu về CPTPP, qua đó biết cách áp dụng pháp luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với quy định của Luật Điều ước quốc tế 2016. Cụ thể là, nếu pháp luật trong nước mâu thuẫn với quy định của CPTPP thì phải ưu tiên áp dụng CPTPP, tránh trường hợp áp dụng sai dẫn đến khiếu kiện.

- Không ngừng giữ nghiêm kỷ cương. Xử lý nghiêm túc tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn với nhà đầu tư bởi nếu môi trường đầu tư không tốt thì CPTPP hay bất cứ hiệp định thương mại nào cũng không thể phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế.

Ba là, chịu sức ép lớn về cạnh tranh không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà còn tại thị trường trong nước trên ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

Theo quy định của CPTPP, mức thuế suất xuất nhập khẩu bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi về tài chính, trình độ quản trị, chuỗi phân phối toàn cầu thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhanh chân hơn doanh nghiệp Việt Nam trong việc hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan từ CPTPP. Hơn nữa, tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu, sự liên kết với nhau chưa tốt thì sức ép cạnh tranh trên thị trường nước ngoài sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.

Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Hơn nữa, khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế gia tăng. Ví dụ, với ngành thực phẩm, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi CPTPP có hiệu lực bởi thuế nhập thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng… sẽ giảm xuống 0%. Nhiều quốc gia đối tác trong CPTPP có nền chăn nuôi phát triển, quy mô lớn, chất lượng sản phẩm cao, giá thành rẻ cùng với giảm thuế sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam. Trong khi đó, chăn nuôi ở Việt Nam chủ yếu là kiểu nông hộ, giá thành cao, mức độ an toàn thực phẩm thấp. Do đó, sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa càng trở nên gay gắt.

Khía cạnh khác, các mặt hàng của một số nước thành viên CPTPP có nhiều nét tương đồng với những mặt hàng vốn được coi là lợi thế xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, do đó các nước này sẽ tìm cách bảo hộ sản phẩm trong nước bằng cách tạo ra các rào cản kỹ thuật, gây khó khăn cho hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời, chính hàng hóa nước họ cũng cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt Nam khi cùng xuất khẩu tới một nước thành viên khác của CPTPP… Đây cũng là thách thức lớn về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tạo ra sự khác biệt về sản phẩm.

Để giải quyết những khó khăn trên, tôi cho rằng, cùng với phê chuẩn Hiệp định này, Quốc hội nên có khuyến nghị với Chính phủ trong việc thực hiện một số công việc sau đây:

- Tổ chức phổ biến thông tin về CPTPP đến các doanh nghiệp để giúp họ nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan theo Hiệp định đối với những mặt hàng nước ta đang có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu.

- Tổ chức tập huấn, giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy kinh doanh, coi sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp chủ động xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng trình độ nhân lực, quản trị doanh nghiệp, tận dụng tối đa hỗ trợ của Nhà nước.

- Chính phủ, trong đó Bộ Công thương là đầu mối chủ động xúc tiến thương mại và đầu tư, lựa chọn thị trường và đối tác để bổ sung nguồn vốn và tiếp cận công nghệ hiện đại từ các tập đoàn kinh tế lớn, tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Hướng dẫn và tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Các địa phương và doanh nghiệp cần có chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ tại các quốc gia CPTPP.

 HOÀNG QUỐC THƯỞNG

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

(0) Bình luận
CPTPP - Cơ hội nhưng cũng đầy thách thức