Đánh giá trực tuyến không chỉ là kênh tham khảo uy tín với người mua, người bán cũng hưởng lợi nếu cửa hàng nhận nhiều đánh giá tích cực.
Ngọc Lệ (24 tuổi, Hà Nội) bỏ ra nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày để đọc hàng chục đánh giá trước khi quyết định bỏ một sản phẩm vào giỏ hàng.
Với cô gái trẻ, việc dành thời gian nghiên cứu các đánh giá người dùng để lại giúp cô tránh được những tình huống dở khóc, dở cười của việc mua hàng trực tuyến. "Mua hàng sau khi đọc đánh giá giúp mình hạn chế việc phải làm 'chuột bạch'", Lệ kể.
Trải nghiệm mua sắm theo review lần đầu suôn sẻ khiến cô gái trẻ không tiếc thời gian tìm hiểu đánh giá online mỗi ngày. Với mỗi sản phẩm, cô thường đọc ít nhất 5, thậm chí vài chục đánh giá. Thay vì tìm xem các review tốt, Lệ chọn đọc trước các đánh giá tiêu cực để biết các rủi ro mình có thể gặp phải nếu mua hàng.
Đọc đánh giá giúp người mua lựa chọn được sản phẩm phù hợp. Ảnh: Ngôi Sao
Lệ không phải là khách hàng duy nhất có thói quen tìm đọc đánh giá khi mua sắm online. Khảo sát với hơn 6.500 người dùng của Power Review năm 2022 chỉ ra, hơn 99% khách hàng tham khảo các trải nghiệm về sản phẩm trước khi mua hàng. Trong đó, 96% người mua hàng tìm đến đánh giá tiêu cực, tăng so với mức 85% năm 2018 để có thể hạn chế các rủi ro có thể gặp phải.
Khi thương mại điện tử bùng nổ, đánh giá trực tuyến của mua hàng trở thành kênh tham khảo uy tín với người dùng. Thế Anh (27 tuổi, Hà Nội) cho biết luôn đọc đánh giá kỹ dù không mua đồ thường xuyên.
"Trước đây, mình từng tốn tiền vì mua đồ khác so với nhu cầu của bản thân, gây lãng phí. Việc đọc trước các trải nghiệm mua sắm của người khác giúp tôi mua hàng thông minh hơn", Thế Anh nói.
Một số tiêu chí được người dùng căn cứ khi đọc review trực tuyến là xếp hạng sao, video, hình ảnh thật và chia sẻ cụ thể. Theo khảo sát trên của Power Review, 77% người dùng cho biết xếp hạng sao là yếu tố họ cân nhắc khi đọc đánh giá, nhưng 52% sẽ không tin tưởng nếu xếp hạng sao không kèm nội dung. Theo hơn 6.500 người dùng từ khảo sát, 68% trong đó nói một sản phẩm lý tưởng thường có từ 26 đánh giá trở lên.
Cả Ngọc Lệ và Thế Anh đều nhận định, càng những đánh giá chi tiết, mức độ tin tưởng càng cao. Đặc biệt với đồ điện tử, việc nhìn hình ảnh thật được người mua trước chụp lại giúp Thế Anh "yên tâm hơn khi đã thấy hình ảnh sản phẩm và củng cố quyết định xuống tiền".
Đánh giá trực tuyến không chỉ là kênh tham khảo uy tín với người mua, người bán cũng hưởng lợi nếu cửa hàng nhận nhiều đánh giá tích cực. Tại Anh, một khảo sát trên thương mại điện tử chỉ ra, các đánh giá giúp tăng 34% khả năng chuyển đổi mua hàng.
Hai tín hiệu tích cực được Phương Anh, chủ một cửa hàng thời trang trên sàn thương mại điện tử nhận định là tăng uy tín của cửa hàng, thúc đẩy doanh số. Người dùng bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các đánh giá, do đó, shop thường khuyến khích khách hàng để lại review, xếp hạng.
Ngoài đọc review của người dùng, tham khảo đánh giá của chuyên gia lẫn người có ảnh hưởng trong lĩnh vực cũng là kênh hữu ích.
Độc giả có thể lựa chọn các bài đánh giá mỹ phẩm, dịch vụ, đồ gia dụng, điểm đến... với nhiều phân tích chuyên sâu về ưu, nhược điểm từ những người có chuyên môn. Điều này giúp người mua hàng dễ dàng hơn khi đưa ra lựa chọn chi tiền cho sản phẩm hay trải nghiệm.
Theo VnExpress