Các nhà máy sản xuất túi Dior tại Italia đã bán mỗi chiếc túi cho hãng với giá 53 euro nhưng sau đó chúng được bán trong các cửa hàng với giá 2.600 euro.
Theo Fortune, việc thổi phồng giá sản phẩm gấp 50 lần chưa phải là rắc rối lớn nhất của Dior, bởi công ty này đã đối mặt làn sóng chỉ trích khi hợp tác với các nhà máy sản xuất bị cáo buộc bóc lột lao động ở Italia.
Cũng theo Fortune, tòa án tại Milan (Italy) đang xem xét các vấn đề sử dụng lao động liên quan tới LVMH - tập đoàn hàng hiệu lớn nhất thế giới của Pháp và chủ sở hữu của thương hiệu Dior.
Cụ thể, hai công ty Manufactures Dior SRL và Christian Dior Italy SRL có liên kết với LVMH bị cáo buộc sử dụng những người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc và Philippines bên trong nhà máy ở Italia.
Phần lớn các công nhân của hai công ty trên phải ngủ trong xưởng do nhà máy hoạt động 24 giờ, không có ngày nghỉ. Các thiết bị an toàn cũng bị gỡ bỏ khỏi máy móc để tăng tốc độ sản xuất.
Các công ty này đã bán mỗi chiếc túi cho Dior với giá 53 euro (khoảng 1,4 triệu đồng). Những chiếc túi này sau đó được bán trong các cửa hàng Dior với giá 2.600 euro (khoảng hơn 70 triệu đồng), gấp gần 50 lần so với giá sản xuất.
Cuộc điều tra ảnh hưởng không nhỏ tới một thương hiệu nổi tiếng như Dior, được phụ trách bởi Delphine Arnault, con gái của Bernard Arnault, vị tỷ phú đứng sau Moet Hennessy Louis Vuitton (LVMH).
Trước thông thin Dior vướng vào bê bối sử dụng bóc lột lao động ở Italia, trên Chicment, diễn đàn trực tuyến về hàng xa xỉ với hơn 690.000 thành viên, nhiều người dùng cảm thấy sốc và phẫn nộ trước những tiết lộ này đồng thời kêu gọi tẩy chay Dior.
Một trong những thành viên diễn đàn cho biết từng cân nhắc việc mua túi Lady Dior, nhưng đã hoàn toàn từ bỏ ý định sau khi đọc tin tức. Một người dùng khác bày tỏ lo ngại về việc ngược đãi công nhân. Trong khi những người dùng khác cố gắng trả các món hàng họ đã mua trong một tuần trở lại gần đây.
Theo Reuters, chuỗi cung ứng ngành công nghiệp xa xỉ ngày càng chịu sự giám sát chặt chẽ của người tiêu dùng và nhà đầu tư trong những năm gần đây. Để giảm thiểu rủi ro về danh tiếng, các nhãn hiệu thời trang đã hạn chế số lượng nhà thầu phụ và sản xuất nội bộ.
Hiện hơn một nửa hàng xa xỉ trên thế giới được sản xuất bởi các nhà máy nhỏ tại Italia. Nhưng thực tế, các công ty này đều do người Trung Quốc thành lập, họ thường sử dụng lao động bất hợp pháp để giảm chi phí.
Tờ Korea Joongang Daily dẫn lời Lee Jae-ik, nhân viên văn phòng thường xuyên lui tới các cửa hàng cao cấp trong và ngoài Hàn Quốc, cho biết: "Không ai muốn mua cái gọi là túi xa xỉ do công nhân bị lạm dụng tạo nên trong nhà máy".
"Khi tôi mua một món hàng xa xỉ, tôi đang mua câu chuyện gắn liền với nó. Tôi đang mua chiếc túi mà Grace Kelly, Jane Birkin và Công nương Diana mang theo và được LVMH quảng cáo là được sản xuất tại xưởng bởi những người thợ thủ công chuyên nghiệp. Bê bối mới đây thật đáng tiếc, nhưng không có gì mới mẻ cả", Lee nói thêm.
Theo một báo cáo của châu Âu vào năm 2023, khoảng 77% tổng số người mua hàng cho biết họ sẽ quan tâm đến việc hàng thiết kế được sản xuất bền vững. Trong số 77% đó, hơn một nửa số người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tới 10% nếu mặt hàng đó được sản xuất hoặc phân một cách bền vững.
Hàn Quốc là một trong những thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Chi tiêu bình quân đầu người ở quốc gia này cao nhất thế giới tính đến năm 2022 và là thị trường toàn cầu lớn thứ 7 với giá trị 14,65 tỷ USD. Bốn thương hiệu lớn - Hermes, Louis Vuitton, Chanel và Dior - đã ghi nhận doanh thu hơn 5.000 tỷ won (91,6 nghìn tỷ đồng) vào năm ngoái, mặc dù đã liên tục tăng giá sản phẩm.
T.H (theo VTC News)